(CTTĐTBP) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao, coi đây là chính sách hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với một bộ phận dân cư, những người có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nhất hiện nay, góp phần thực hiện mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trước những tác động bất lợi của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, đến nay cả nước có khoảng 3,356 triệu người (chiếm khoảng 3,35% dân số) đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng (bao gồm: 1,417 triệu người đang hưởng chế độ đối với người cao tuổi; 1,612 triệu người đang hưởng chế độ đối với người khuyết tật; 21 nghìn trẻ em đang hưởng chế độ đối với trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng; 146 nghìn trẻ em hưởng chế độ đối với trẻ em dưới 3 tuổi; 84 nghìn người đang hưởng chế độ người đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi) và hơn 349 nghìn hộ gia đình đang chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng và hộ gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội. Trường hợp cá nhân, hộ gia đình có người chết, mất tích, bị thương, thiếu lương thực, có nhà ở bị đổ, sập, trôi cháy, hư hỏng nặng do thiên tai, dịch bệnh và các sự cố bất khả kháng khác. Tổng hợp từ năm 2021 đến năm 2023, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 210.000 tấn gạo cứu đói cho 3,5 triệu hộ với gần 15 triệu lượt nhân khẩu và hàng nghìn tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai.
Một số vấn đề bất cập, vướng mắc cần được sửa đổi
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, một số vấn đề bất cập, vướng mắc đã nảy sinh, cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Cụ thể:
Thứ nhất, chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng còn thấp, mới chỉ hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu của người dân; chưa tương đồng với chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng. Mức trợ cấp xã hội hiện chỉ bằng khoảng 17% thu nhập bình quân, 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021-2025. Giai đoạn 10 năm 2013-2023, tiền lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng 6 lần, tuy nhiên mức chuẩn trợ cấp xã hội chỉ được được điều chỉnh tăng 2 lần. Từ tháng 7/2023, mức lương cơ sở tiếp tục tăng lên 1.800.000 đồng. Việc nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng nhằm bảo đảm hỗ trợ hiệu quả một phần nhu cầu thiết yếu cho đối tượng bảo trợ xã hội là hết sức cấp bách. Như vậy, có thể thấy mức chuẩn trợ cấp xã hội so với tiền lương cơ sở có xu hướng giảm dần từ 26,6% năm 2007 giảm xuống còn 20% vào tháng 7 năm 2023.
Mặt khác, theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Việt Nam tiếp tục tăng theo từng năm: năm 2021 CPI tăng 1,84% so với năm 2020; năm 2022 CPI tăng 3,15% so với năm 2021; 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Việc giá của các loại hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng hàng ngày của người dân tăng lên trong khi mức trợ cấp xã hội không thay đổi khiến cuộc sống của đối tượng bảo trợ xã hội gặp nhiều khó khăn hơn. Cần phải điều chỉnh mức chuẩn phù hợp để từng bước bảo đảm an sinh xã hội cho nhóm dân cư yếu thế.
Thứ hai, còn một bộ phận dân cư khó khăn chưa thụ hưởng chính sách do chưa được quy định trong Nghị định số 20/2021/NĐ-CP như: Trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng đã được quy định tại Luật trẻ em 2016, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật trẻ em; thành viên hộ nghèo, cận nghèo không có thành viên trong độ tuổi lao động hoặc có thành viên trong độ tuổi lao động nhưng mất khả năng lao động; trẻ em dưới 3 tuổi; người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo. Do vậy, cần quy định bổ sung là các nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội.
Bên cạnh đó, người dân gặp hoàn cảnh khó khăn do hậu quả thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng được Lãnh đạo Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền các cấp tặng quà nhưng Nghị định số 20/2021/NĐ-CP chưa quy định cơ sở pháp lý về nội dung này.
Thứ ba, quy trình, thủ tục và hồ sơ giải quyết chính sách trợ giúp xã hội chưa được quy định theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin nên người dân phải gửi hồ sơ giấy hoặc trực tiếp nộp tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, gây tốn kém thời gian, tăng chi phí quản lý của cơ quan hành chính. Để góp phần xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí và thời gian, việc xây dựng quy trình, thủ tục và hồ sơ điện tử là hết sức cần thiết.
Từ những lý do trên, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cần thiết xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nhằm bảo đảm quyền an sinh cho đối tượng hưởng lợi, bảo đảm người dân khó khăn đều được sự hỗ trợ của nhà nước và nâng cao chất lượng chính sách trợ giúp xã hội.
Mời bạn đọc xem Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và góp ý tại đây./.