(CTTĐTBP) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2020/TT-BGDĐT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong lĩnh vực giáo dục.
Dự thảo bổ sung quy định mới như sau: Đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chưa thực hiện việc chuyển đổi bán công, dân lập sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục mầm non bán công chưa thực hiện việc chuyển đổi sang cơ sở giáo dục mầm non dân lập; cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công chưa thực hiện việc chuyển đổi sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, thì phải hoàn thành việc chuyển đổi theo quy định tại Thông tư số 11/2009/TT-BGDĐT ngày 08/05/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trình tự, thủ tục chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công, dân lập sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non dân lập; cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trước ngày 30/6/2025.
Chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người học và tranh thủ sự đầu tư của xã hội cho giáo dục
Theo Thông tư số 11/2009/TT-BGDĐT, mục đích chuyển đổi nhằm: Đảm bảo đủ các trường công lập đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục đối với mẫu giáo 5 tuổi, tiểu học, trung học cơ sở; các trường dân lập, tư thục (đối với mầm non), các trường tư thục (đối với tiểu học, trung học cơ sở) được mở để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người học và tranh thủ sự đầu tư của xã hội cho giáo dục.
Nguyên tắc chuyển đổi là thực hiện đúng quy định hiện hành của Nhà nước; điều lệ, quy chế về tổ chức và hoạt động của các loại hình nhà trường mỗi cấp học.
Đồng thời đảm bảo các hoạt động giáo dục của nhà trường ổn định và phát triển, cơ sở vật chất được Nhà nước bảo trợ theo quy định của pháp luật; không gây gián đoạn quá trình học tập của người học; tạo điều kiện tốt hơn cho người học ở các vùng miền, phù hợp với thu nhập của các tầng lớp nhân dân; các đối tượng chính sách xã hội, người học vùng đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ học tập; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và chế độ, chính sách đối với người dạy, người học và những người đã có đóng góp thực sự trong quá trình hình thành và phát triển nhà trường theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi để không còn loại hình trường bán công ở giáo dục mầm non; trường bán công, dân lập ở giáo dục phổ thông.
Căn cứ vào quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng lộ trình, kế hoạch và xem xét, quyết định việc chuyển đổi loại hình trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.