(CTTĐTBP) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.
Dự thảo Thông tư quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam gồm: Văn bằng giáo dục đại học, văn bằng giáo dục phổ thông, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông theo hệ thống giáo dục của nước cấp bằng (gọi chung là văn bằng).
Công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam là việc xác định cấp học, trình độ đào tạo ghi trên văn bằng theo hệ thống giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính và trong trường hợp tương thích thì công nhận tương đương đối với văn bằng trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hoặc bậc trình độ theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Nội dung công nhận văn bằng gồm: Cấp học, trình độ đào tạo tương ứng với một trong những hệ thống sau: Hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hoặc Khung trình độ quốc gia Việt Nam; Chuẩn phân loại giáo dục quốc tế của UNESCO (ISCED 2011); hệ thống giáo dục hoặc khung trình độ quốc gia của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính; định hướng của chương trình giáo dục, đào tạo; trình độ đào tạo kế tiếp chấp nhận văn bằng là điều kiện đầu vào.
Điều kiện công nhận văn bằng
Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài được công nhận khi đáp ứng một trong ba điều kiện sau:
Chương trình giáo dục được kiểm định chất lượng bởi cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính hoặc được công nhận bởi cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính;
Cơ sở giáo dục nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính cho phép đào tạo, cấp bằng hoặc được cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính công nhận chất lượng và văn bằng được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó công nhận;
Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thuộc phạm vi áp dụng của hiệp định, thỏa thuận về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết được công nhận theo các điều khoản của hiệp định, thỏa thuận hoặc điều ước quốc tế.
Hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng
Hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng bao gồm: Phiếu đề nghị công nhận văn bằng (theo Mẫu tại Phụ lục I); Bản sao văn bằng hoặc bản sao từ sổ gốc cấp văn bằng đề nghị công nhận kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt; Bản sao phụ lục văn bằng hoặc bảng kết quả học tập (nếu có) kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt.
Việc đề nghị công nhận văn bằng được thực hiện tại Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với văn bằng giáo dục đại học; Cổng dịch vụ công trực tuyến của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Giáo dục và Đào tạo đối với văn bằng giáo dục phổ thông, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng trả kết quả công nhận văn bằng cho người đề nghị công nhận văn bằng.
Kết quả công nhận văn bằng được gửi đến người đề nghị công nhận văn bằng dưới dạng văn bản điện tử.
Khi người đề nghị công nhận văn bằng có nhu cầu nhận kết quả công nhận văn bằng dưới dạng văn bản giấy, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng gửi văn bản giấy đến người đề nghị công nhận văn bằng.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.