(CTTĐTBP) - Bộ Quốc phòng đang đề nghị xây dựng dự án Luật Tình trạng khẩn cấp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về tình trạng khẩn cấp; tạo lập cơ sở pháp lý, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả nhằm tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, góp phần bảo vệ Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bộ Quốc phòng cho biết, Hiến pháp năm 2013 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, trong khi đó nhiều biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp đang được điều chỉnh bởi Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000.
Nghị quyết số 41/2021/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã yêu cầu Chính phủ "Sớm nghiên cứu, đề xuất nâng Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp lên thành luật, trong đó có nội dung tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh".
Theo Bộ Quốc phòng, hoạt động thực hiện pháp luật về tình trạng khẩn cấp được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đạt nhiều kết quả trong ứng phó với các tình huống khẩn cấp do sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, môi trường, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, góp phần quan trọng xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống pháp luật và việc tổ chức thi hành pháp luật về tình trạng khẩn cấp còn hạn chế, bất cập như:
Về quy định của pháp luật
Một là, các quy định về tình trạng khẩn cấp rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, gây khó khăn trong áp dụng
Hiện nay, pháp luật về tình trạng khẩn cấp được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, từ Hiến pháp, luật và văn bản dưới luật như: Hiến pháp năm 2013; Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000; Luật An ninh quốc gia năm 2004; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015; Luật Thú y năm 2015; Luật Quốc phòng năm 2018; Luật Dân quân tự vệ năm 2019, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 71/2002/NĐ-CP ngày 23/7/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm và Nghị định số 74/2002/NĐ-CP ngày 21/8/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp khi có tình hình đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…
Hai là, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013
Bộ Quốc phòng cho biết, Hiến pháp năm 2013 quy định "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng" (khoản 2 Điều 14), tuy nhiên Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 có quy định các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân nhưng lại do UBTVQH ban hành.
Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 quy định không đầy đủ phạm vi thẩm quyền của UBTVQH so với Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội, cụ thể: Tại Điều 2 Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 quy định "Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, UBTVQH ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp" nhưng Hiến pháp năm 2013 (khoản 10 Điều 74 ) và Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (Điều 57) quy định UBTVQH có thẩm quyền "ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương" mà không quy định phải có "đề nghị của Thủ tướng Chính phủ".
Quy định giám sát việc tuân thủ pháp luật trong việc thi hành nghị quyết hoặc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013, cụ thể: Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp (khoản 2 Điều 15) quy định "Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành nghị quyết hoặc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp", trong khi Hiến pháp năm 2013 quy định "Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp" (khoản 1 Điều 107). Như vậy Hiến pháp năm 2013 đã bãi bỏ chức năng "kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành nghị quyết hoặc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp" của Viện kiểm sát nhân dân, mà chức năng này thuộc về Quốc hội (theo Điều 69 của Hiến pháp năm 2013 "Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước").
Ba là, hệ thống quy định pháp luật về tình trạng khẩn cấp còn thiếu, chưa cụ thể dẫn đến chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, gây khó khăn trong áp dụng
Theo Bộ Quốc phòng, thiếu nguyên tắc áp dụng đối với các văn bản có cùng nội dung điều chỉnh về tình trạng khẩn cấp hoặc nguyên tắc áp dụng đối với các quy định đặc thù về tình trạng khẩn cấp tại các luật chuyên ngành trong mối quan hệ với Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp.
Thiếu một số quy định như: Trình tự, thủ tục, thời gian có hiệu lực, gia hạn tình trạng khẩn cấp; cấp độ, phạm vi tình trạng khẩn cấp trong từng lĩnh vực; quy chế phối hợp trong hoạt động của các lực lượng trong tình trạng khẩn cấp; quy định về việc hạn chế quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp ở từng lĩnh vực; trách nhiệm pháp lý khi vi phạm pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trách nhiệm công khai tình trạng khẩn cấp đến các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thi hành; cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân trong tình trạng khẩn cấp.
Bên cạnh đó, các văn bản còn chưa thống nhất: Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 quy định thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản thuộc về Thủ tướng Chính phủ, thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản chỉ thuộc Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 14, Điều 24). Tuy nhiên, Luật Quốc phòng năm 2018 cho phép "Người chỉ huy đơn vị quân đội được giao quản lý địa phương cấp tỉnh thiết quân luật được quyền trưng mua, trưng dụng tài sản" của các cá nhân, tổ chức trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng (khoản 5 Điều 21).
Ngoài ra, chưa có sự phân định rõ ràng, cụ thể giữa một số biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp với biện pháp áp dụng trong trạng thái bình thường dẫn đến việc khó khăn trong triển khai thực hiện: Nghị định số 71/2002/NĐ-CP quy định "tạm thời đình chỉ hoạt động của các cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng không đủ điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm" (khoản 5 Điều 25) nhưng Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định "tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch" (điểm a khoản 1 Điều 52) mà không cần chứng minh về việc cơ sở đó không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Các quy định chưa rõ ràng nêu trên dẫn đến việc chưa phải là tình trạng khẩn cấp mà đã áp dụng biện pháp thuộc về tình trạng khẩn cấp. Thực tế, trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, mặc dù chưa ban bố, công bố trình trạng khẩn cấp, nhưng các cơ quan, đơn vị địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp.
Hạn chế bất cập trong tổ chức thi hành pháp luật tình trạng khẩn cấp
Theo Bộ Quốc phòng, từ khi Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp được ban hành đến nay, nước ta chưa ban bố, công bố về tình trạng khẩn cấp nhưng trong thực tế nhiều trường hợp đã áp dụng các biện pháp thuộc tình trạng khẩn cấp mà không ban bố, công bố tình trạng khẩn cấp.
Thực tiễn công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, môi trường thời gian qua đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm, đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện pháp luật về tình trạng khẩn cấp như:
(i) Một số văn bản về pháp luật tình trạng khẩn cấp không được công khai nên sự tiếp cận của tổ chức, cá nhân còn hạn chế;
(ii) Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về tình trạng khẩn cấp của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế;
(iii) Quá trình ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, môi trường với những tình huống xảy ra với mức độ như nhau ở một số địa phương thì việc áp dụng các biện pháp nhằm ổn định, duy trì xã hội trở lại trạng thái bình thường còn chưa thống nhất;
(iv) Công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân còn chưa kịp thời, lúng túng khi có các tình huống khẩn cấp xảy ra; cấp có thẩm quyền chưa ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng các địa phương đã ban hành các văn bản hành chính hạn chế quyền con người, quyền công dân;
(v) quy trình, thủ tục mua sắm trang thiết bị vật chất, công tác bảo đảm hoạt động trong tình trạng khẩn cấp ở nhiều cấp, nhiều ngành còn gặp lúng túng, chờ để báo cáo, xin hướng dẫn nên gây quá tải, thiếu thốn; việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho các hoạt động trong tình trạng khẩn cấp hạn chế; hợp tác quốc tế trong tình trạng khẩn cấp chưa kịp thời, chưa hiệu quả…
Bộ Quốc phòng cho biết, thế giới và khu vực dự báo có những diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang cục bộ ở một số quốc gia, khu vực; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh xảy ra ngày càng nhiều. Tình hình trên làm gia tăng các tình huống khẩn cấp về sự cố, thảm họa đòi hỏi các quốc gia phải có các biện pháp ứng phó khẩn cấp. Việt Nam là quốc gia chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nền kinh tế có độ mở cao, các thế lực thù địch luôn tận dụng các thời điểm ta gặp khó khăn để chống phá… vì vậy phải thường xuyên củng cố, hoàn thiện các biện pháp ứng phó trong các tình huống khẩn cấp để bảo vệ Nhân dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước.
Từ những cơ sở trên, theo Bộ Quốc phòng, việc xây dựng, ban hành Luật về tình trạng khẩn cấp là cần thiết để hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Mời bạn đọc xem Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Tình trạng khẩn cấp và góp ý./.
Link://baochinhphu.vn/de-xuat-xay-dung-du-an-luat-tinh-trang-khan-cap-102240304172502251.htm