(CTTĐTBP) - Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, Bộ Công Thương đề xuất cụ thể các tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”.
Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” được xét tặng cho cá nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và đạt các tiêu chuẩn sau:
1- Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.
2- Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và Nhân dân mến mộ, kính trọng.
3- Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ của cả nước, cụ thể:
a) Nắm giữ kỹ năng, bí quyết; truyền nghề, dạy nghề cho từ 150 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề đặc thù hoặc đã đào tạo 01 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”;
b) Sau khi đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, Nghệ nhân phải trực tiếp thiết kế, chế tác được 02 sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật đạt giải nhất, nhì trong các cuộc thi thuộc lĩnh vực thủ công mỹ nghệ do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tổ chức chính trị - xã hội (có tổ chức từ Trung ương đến địa phương) tổ chức trong phạm vi toàn quốc; hoặc có sản phẩm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tiêu biểu, đánh giá phân hạng cấp quốc gia.
4- Có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên.
5- Nghệ nhân ưu tú trên 70 tuổi có cống hiến lớn, kỹ năng đặc biệt xuất sắc nhưng còn thiếu tiêu chuẩn theo quy định tại điểm b khoản 3 nêu trên nhưng đạt một trong các tiêu chuẩn sau: - Là người dân tộc thiểu số, hiện đang làm nghề và sinh sống ổn định tại vùng dân tộc thiểu số từ 05 năm trở lên.
- Có 02 sản phẩm, tác phẩm được Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước lựa chọn làm tặng phẩm khách cấp cao nước ngoài.
- Có 02 sản phẩm, tác phẩm được lựa chọn trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng quốc gia Việt Nam.
Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được thành lập ở 3 cấp
Theo dự thảo, Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được thành lập từng đợt theo 3 cấp: Hội đồng cấp tỉnh; Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ; Hội đồng cấp Nhà nước.
Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” có nhiệm vụ tổ chức việc xét tặng bảo đảm đúng quy định; tổ chức xét truy tặng khi cá nhân đã hoàn thiện xong hồ sơ, được Hội đồng cấp tỉnh xét, gửi hồ sơ trình Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ; công bố kết quả xét chọn trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân; hoàn chỉnh hồ sơ xét tặng, trình Hội đồng có thẩm quyền; xem xét, giải quyết các kiến nghị liên quan đến việc xét tặng.
Hội đồng xét tặng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.