(CTTĐTBP) - Tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước, Bộ Công an đề xuất quy định về tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị về căn cước của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo dự thảo, cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về căn cước và xử lý thông tin đó theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thông tin phản ánh về căn cước của cơ quan, tổ chức, cá nhân được tiếp nhận thông qua các hình thức dưới đây:
1- Trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước;
2- Điện thoại, đường dây nóng do cơ quan quản lý căn cước thông báo hoặc niêm yết;
3- Hòm thư góp ý, hộp thư điện tử do cơ quan quản lý căn cước thông báo hoặc niêm yết;
4- Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, trang thông tin điện tử của Công an các đơn vị, địa phương;
5- Ứng dụng định danh quốc gia (VNeID);
6- Qua phương tiện thông tin đại chúng.
Dự thảo nêu rõ, các thông tin phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về căn cước phải được cơ quan quản lý căn cước ghi lại, trong đó thể hiện rõ thời gian, địa điểm xảy ra, nội dung, diễn biến liên quan đến tổ chức, cá nhân nào. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh thông tin trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước, qua điện thoại, đường dây nóng thì yêu cầu cá nhân cung cấp họ, chữ đệm và tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ để cơ quan quản lý căn cước có văn bản trả lời khi cần thiết.
Cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm giữ bí mật đối với thông tin phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp được yêu cầu giữ bí mật.
Giải quyết một số trường hợp không có hoặc không thu nhận được đầy đủ thông tin trên thẻ căn cước
Theo dự thảo, trường hợp thông tin về dân tộc, tôn giáo không có hoặc đã được thu thập nhưng công dân đề nghị cập nhật, điều chỉnh thì cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm cập nhật, điều chỉnh theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 10 Luật Căn cước.
Dự thảo nêu rõ, thông tin dân tộc, tôn giáo được cập nhật, điều chỉnh phải thuộc danh mục dân tộc, tôn giáo được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc công nhận.
Trường hợp thông tin nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, quê quán không có hoặc không thu thập được đầy đủ địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh thì cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp thể hiện các thông tin trên để cập nhật, điều chỉnh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Trường hợp giấy tờ, tài liệu do người dân cung cấp không thể hiện hoặc thể hiện không đầy đủ địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh thì Cơ quan quản lý căn cước yêu cầu người dân cung cấp thông tin và có văn bản cam kết đối với các thông tin đã cung cấp. Cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý hộ tịch kiểm tra, xác minh trước khi cập nhật, điều chỉnh để bảo đảm tính chính xác, thống nhất.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.