(CTTĐTBP) - Sáng 22/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành hữu quan về kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, ngày 18/1/2024.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đất đai, quản lý đất đai là lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp, liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh-quốc phòng và là mối quan tâm của từng người dân...
Tư duy, quan điểm mới và đột phá về quản lý đất đai
Việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trong đó, cơ sở chính trị quan trọng là Nghị quyết 18-NQ/TW về "tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; sự ủng hộ, đồng hành của Quốc hội, sự quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ cũng như sự tham gia của cả hệ thống chính trị các cấp; các bộ, ngành, đoàn thể, người dân, doanh nghiệp… Đến nay, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 vừa qua. Đây là một bộ luật lớn, quan trọng, được các đại biểu Quốc hội ủng hộ và thông qua với tỉ lệ rất cao và là sự kiện pháp lý trung tâm của nhiệm kỳ.
"Thay mặt cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta bày tỏ lòng cảm ơn, sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong thời gian qua đã làm việc với tinh thần "từ sớm, từ xa" cùng đồng hành, cùng chịu trách nhiệm triển khai xây dựng, tiếp thu đầy đủ ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân vào Luật. Luật được thông qua sẽ góp phần giải quyết nhiều tồn tại, vướng mắc hiện nay về quản lý đất đai; đồng thời góp phần kiến tạo cho sự phát triển sắp tới với tư duy, quan điểm mới và đột phá", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ.
Chính vì vậy, sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, vấn đề tiếp theo là làm sao để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách trong Luật vào cuộc sống, đưa đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng, đẩy mạnh thương mại hóa đất đai, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an ninh - quốc phòng,…
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết Bộ đã xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi) trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, phân công cụ thể cho từng bộ, ngành xây dựng văn bản thi hành dưới luật, có tiến độ cụ thể; triển khai tập huấn, tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Đất đai (sửa đổi), các văn bản thi hành; công tác kiểm tra giám sát,…
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ Tư pháp, NN&PTNT, Tài chính, KH&ĐT… đã báo cáo, trao đổi về lộ trình, định hướng xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành, cũng như theo quy định của Luật; đóng góp ý kiến vào dự thảo kế hoạch thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi).
Rà soát kỹ, không để "khoảng trống chính sách" về đất đai
Nhấn mạnh việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành là nhiệm vụ hàng đầu của kế hoạch thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi): Nghị định chung hướng dẫn các điều, khoản chung; các lĩnh vực chuyên sâu (quản lý đất lúa; thu tiền sử dụng đất; định giá đất; thu hồi, bồi thường, tái định cư; điều tra cơ bản thông tin dữ liệu đất đai…); đất đai cho hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng, công nghiệp…
Cùng với đó là đề án truyền thông chính sách, tuyên truyền phổ biến về Luật, đưa các điều khoản, quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) được thực thi, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn. Đồng thời, chú trọng tập huấn, quán triệt đến những người làm công tác lãnh đạo, quản lý đất đai từ Trung ương tới các địa phương; kiện toàn, sắp xếp bộ máy, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai phục vụ công tác định giá vào năm 2025;… nhằm bảo đảm điều kiện tổ chức thi hành Luật.
Phó Thủ tướng yêu cầu phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, hoàn thiện và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm hiệu lực đồng thời, đồng bộ, thống nhất.
Các bộ, ngành cần rà soát kỹ lưỡng những điều, khoản của Luật Đất đai (sửa đổi) giao thẩm quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các bộ quy định, hướng dẫn thực hiện, để phối hợp triển khai xây dựng 1 nghị định hướng dẫn chung và một số nghị định riêng có tính chuyên môn đặc thù. Tinh thần chung là số lượng nghị định phải là ít nhất; triển khai, áp dụng Luật khoa học, chặt chẽ.
"Các bộ, ngành rà soát kỹ, chủ động đề xuất số nghị định được phân công xây dựng, các thông tư hướng dẫn chi tiết và phải được ban hành trước thời điểm có hiệu lực của các điều khoản trong Luật là ngày 1/4/2024 và ngày 1/1/2025, để có thời gian tập huấn, tuyên truyền, kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện", Phó Thủ tướng lưu ý.
Theo đó, để đồng bộ, thống nhất với một số điều, khoản của Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/4/2024, Bộ TN&MT khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ Nghị định quy định về lấn biển. Bộ NN&PTNT khẩn trương cập nhật các chính sách mới trong Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Để thực hiện những điều, khoản của Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng các dự thảo nghị định liên quan đến vấn đề thu tiền và vấn đề liên quan đến thuế đất.
Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng các dự thảo nghị định về hướng dẫn sử dụng đất lúa.
Bộ TN&MT chủ trì xây dựng dự thảo các nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật; về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, về điều tra cơ bản và cơ sở dữ liệu đất đai, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;…
Đồng thời, các bộ, ngành hữu quan tập trung xây dựng các văn bản dưới nghị định, đó là các thông tư hướng dẫn để thi hành các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.
Bộ TN&MT có văn bản gửi các địa phương để khẩn trương rà soát, ban hành các văn bản quy định chi tiết theo thẩm quyền để tạo hành lang pháp lý đồng bộ khi Luật có hiệu lực thi hành.
Phó Thủ tướng giao Bộ TN&MT và Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp xây dựng 2 đề án thí điểm theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tách công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công; thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất không phải là đất ở tại một số địa phương có năng lực thực hiện hoặc điều kiện đặc thù theo tiêu chí cụ thể./.