Thống kê phải bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phản ánh tình hình mới, bối cảnh mới phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Mặc dù Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục - Danh mục Chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê đã được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, các bộ ngành nhằm hoàn thiện trước khi Quốc hội thông qua.
230 chỉ tiêu phản ánh kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê nhằm bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phản ánh tình hình mới, bối cảnh mới phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trong đó có các cơ chế, chính sách về phát triển bền vững; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; quan hệ hội nhập quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam…
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Danh mục Chỉ tiêu thống kê quốc gia mới (được thực hiện từ năm 2022, sau khi được Quốc hội dự kiến thông qua vào ngày 13/11/2021) gồm 230 chỉ tiêu với 21 nhóm gồm đất đai, dân số; lao động, việc làm và bình đẳng giới; doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; đầu tư và xây dựng; tài khoản quốc gia; tài chính công; tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán…
“So với Danh mục hiện hành, Danh mục mới tăng thêm 44 nhóm đã cơ bản phản ánh toàn diện các chỉ tiêu thống kê quốc gia. Để phản ánh đầy đủ hơn, chi tiết hơn, có lẽ phải cần đến 300 - 400 chỉ tiêu, tuy nhiên, với 230 chỉ tiêu được lựa chọn đã phản ánh tình hình phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước (những chỉ tiêu có phạm vi, mức độ ở tầm quốc gia); bảo đảm tính khả thi và so sánh quốc tế”, ông Phương cho biết.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Trung Tiến cho biết, so với Danh mục hiện hành, Danh mục mới giữ nguyên 128 chỉ tiêu; sửa tên 44 chỉ tiêu; bổ sung 58 chỉ tiêu và bỏ 14 chỉ tiêu.
Vẫn theo ông Tiến, Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia không chỉ cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới trong thời gian gần đây, mà còn cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê phản ánh quan hệ hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Cụ thể, trong số các chỉ tiêu trong Danh mục có 10 chỉ tiêu thống kê tương ứng với các chỉ tiêu thống kê giới ở cấp độ toàn cầu; 33 chỉ tiêu tương ứng với các chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững ở cấp độ toàn cầu (SDG); 29 chỉ tiêu tương ứng với các chỉ tiêu thống kê cấp độ ASEAN; 5 chỉ tiêu thuộc bộ chỉ tiêu phát triển công nghệ thông tin và truyển thông toàn cầu (IDI); và 3 chỉ tiêu thuộc bộ chỉ tiêu đánh giá Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.
“Danh mục chỉ tiêu mới đã cập nhật các chỉ tiêu thống kê phán ánh, dự báo, đo lường sự phát triển của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bao trùm”, ông Tiến cho biết.
Con số thống kê không khô khan mà “biết nói”
“Lúc đầu chỉ dự định sửa Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép sửa một số điều của Luật Thống kê.
Việc sửa đổi này góp phần quan trọng để thống kê quốc gia có độ tin cậy cao hơn, chính xác hơn, cập nhật hơn, đáp ứng yêu cầu của thông tin đầy đủ, kịp thời phản ánh tình hình mới, bối cảnh mới phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, cơ quan nghiên cứu và người dùng tin”, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định.
Trên thực tế, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê chỉ sửa đúng một điều (Điều 17), nhưng theo ông Tú Anh, đây là điều vô cùng quan trọng, đó là việc giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP, GRDP trên địa bàn tỉnh, thành phố. Định kỳ 5 năm/lần rà soát quy mô GDP báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại GDP.
“Lãnh đạo các địa phương đặc biệt quan tâm đến GRDP trên địa bàn của tỉnh mình, nên Ban soạn thảo đã quyết định đưa nội dung giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chỉ tiêu GRDP trên địa bàn tỉnh, thành phố. Việc tính toán GRDP cho các địa phương bảo đảm tính toán khoa học, sát với thực tiễn, theo đúng thông lệ quốc tế.
Thống kê không chỉ là những con số khô khan mà là những “con số biết nói”, nhìn vào số liệu thống kê, các cơ quan, tổ chức, người dùng tin sẽ đưa ra quyết định, cơ chế, chính sách, kế hoạch, chiến lược phát triển hoặc kịch bản ứng phó với thực tiễn chuẩn xác hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng Ban Pháp chế, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc sửa đổi Danh mục vô cùng quan trọng không chỉ cho xây dựng chính sách, mà quan trọng hơn là thực thi chính sách, giám sát, kiểm tra việc thực thi chính sách. Bởi dữ liệu thống kê quốc gia không chỉ phục vụ cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan nghiên cứu để xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà sâu xa là phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, việc thu thập số liệu cần đơn giản, dễ thực hiện.
“Trong nhóm thống kê về doanh nghiệp có các chỉ tiêu số doanh nghiệp, số lao động, nguồn vốn, tài sản, doanh thu, thu nhập, lợi nhuận; trang bị tài sản cố định bình quân một lao động của doanh nghiệp; tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây là các chỉ tiêu cơ bản phản ánh hoạt động của doanh nghiệp, nhưng việc thu thập thông tin làm sao phải bảo đảm giảm thiểu thời gian, chi phí trong việc khai báo, cập nhật dữ liệu của doanh nghiệp”, ông Thạch kiến nghị.
Để giảm thiểu thời gian, công sức cho doanh nghiệp trong việc khai báo các thông tin liên quan đến tính hình hoạt động, theo ông Thạch, cơ quan thống kê phải triệt để khai thác nguồn thông tin dữ liệu của các quan quản lý nhà nước khác, đặc biệt là cơ quan thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh…, đồng thời phải áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào hoạt động khai báo, cập nhật, lưu trữ dữ liệu thống kê.
“Số liệu thống kê không phải là con số khô khan mà là con số biết nói, vì vậy, nhiều chỉ tiêu cần thiết phải cụ thể hóa, ngay cả những chỉ tiêu tưởng không liên quan gì đến doanh nghiệp. Đơn cử thống kê về thiên tai, cần phải chi tiết thiên tai tác động thế nào đến từng dịa phương, ở mỗi địa phương thiên tai tác động đến những gì, mức độ thiệt hại ra sao. Nhìn vào thống kê chi tiết, doanh nghiệp khi quyết định đầu tư sẽ tính toán xem nên xây nhà xưởng, công trình ra sao để giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai xảy ra”, ông Thạch đề xuất.