Tham nhũng là một trong bốn nguy cơ được Ðảng ta chỉ ra từ lâu và đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, nhằm tăng cường lãnh đạo để đẩy lùi nguy cơ này. Nhưng, trên thực tế, đây vẫn là vấn nạn bức xúc, nhiều vụ tham nhũng tiêu cực gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, nhiều dự án kinh tế lớn chết yểu, trở thành con nợ của nền kinh tế; không ít cán bộ vướng vào vòng lao lý, bị phạt tù chung thân, thậm chí là tử hình vì tham nhũng, tiêu cực. Lòng tin của nhân dân có lúc bị giảm sút đáng kể. Từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này, Ðảng ta đã chỉ đạo quyết liệt, vừa chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, không còn "vùng cấm" nào. Niềm tin của nhân dân với Ðảng và chế độ qua đó ngày càng được củng cố.
Nét nổi bật những năm gần đây trong công tác PCTNLP là được tiến hành đồng bộ, kết hợp giữa xây và chống; lấy xây làm cơ bản, chống quyết liệt và kiên trì, hiệu quả. Chỉ riêng năm 2017, ngành kiểm tra đảng đã tập trung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với hơn 3.600 tổ chức đảng và gần 10.400 đảng viên. Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật hơn 300 tổ chức đảng, hơn 18.600 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 700 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật ba tổ chức đảng và 11 cán bộ; Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 18 cán bộ; trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến cán bộ cấp cao của Ðảng, Nhà nước.
Công tác đấu tranh PCTNLP chúng ta làm từ lâu, nhưng chưa bao giờ quyết liệt và có kết quả cụ thể như từ sau Ðại hội XII của Ðảng đến nay. Các kỳ họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thi hành kỷ luật đảng, đều thông báo công khai cụ thể từng trường hợp vi phạm, nội dung vi phạm và hình thức xử lý kỷ luật, hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật. Năm 2017, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã tổ chức tám đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm tại 20 địa phương; kiến nghị các ban thường vụ cấp ủy chỉ đạo xử lý 118 vụ việc, 39 vụ án tham nhũng kinh tế. Công tác phối hợp giữa các cơ quan đồng bộ hơn, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, giám định, định giá tài sản, truy bắt đối tượng bỏ trốn,...
Nhiều vụ án, vụ việc xảy ra từ những năm trước, nhưng giờ đây lần lượt được đưa ra ánh sáng. Nhờ công tác chỉ đạo quyết liệt, cho nên tiến độ điều tra, truy tố, xét xử kịp thời; nhiều vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử với mức án nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn. Số liệu của năm 2017: Các cơ quan chức năng đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 16 vụ với 216 bị can; truy tố 12 vụ với 172 bị can; xét xử sơ thẩm năm vụ với 73 bị cáo (trong đó ba bị cáo bị tuyên phạt tử hình); xét xử phúc thẩm sáu vụ với 80 bị cáo (trong đó hai bị cáo bị tuyên phạt tử hình); tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa ra xét xử kịp thời một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao (vụ Giang Kim Ðạt; vụ Hà Văn Thắm giai đoạn 1; vụ Châu Thị Thu Nga; vụ Phạm Công Danh giai đoạn 2; vụ Ðinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm),…
Mỗi vụ án đưa ra xét xử, chúng ta đau lòng khi phải xử lý kỷ luật nghiêm những cán bộ sai phạm, như một trường hợp cho thôi Ủy viên Bộ Chính trị, một số đồng chí Ủy viên Trung ương Ðảng, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng phải chịu các hình thức xử lý thích đáng. Song qua đó, chúng ta có được nhiều bài học quý giá về công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng và ủy ban kiểm tra các cấp, về công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là việc thực hiện các dự án lớn về kinh tế - xã hội. Kết quả của công tác đấu tranh PCTNLP đã tạo ra không khí mới phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý, điều hành của Nhà nước. Các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp có nhiều chuyển biến tích cực.
Ðồng thời với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, để có căn cứ pháp lý xử lý sai phạm, hàng loạt văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư được ban hành. Cụ thể như các quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản; xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; phân cấp quản lý cán bộ lãnh đạo, quản lý. Quốc hội, Chính phủ xây dựng, ban hành, cho ý kiến vào nhiều dự án luật sửa đổi như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi); dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung).
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, tham nhũng, lãng phí vẫn là vấn đề bức xúc hiện nay; công tác đấu tranh PCTNLP còn nhiều hạn chế, như việc kết luận thanh tra một số dự án còn chậm, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa hiệu quả thấp; tình trạng trên nóng dưới lạnh vẫn còn, việc thu hồi tài sản còn thấp,... Ðấu tranh PCTNLP là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, cần phải làm thường xuyên, kiên trì quyết liệt, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.