Đăng Nhập Hi88: Trang Chủ

Điều tra dân số giữa kỳ

Động lực nào cho tăng trưởng kinh tế năm 2019?

Thứ hai - 25/02/2019 15:53 2433
Phóng viên TTXVN đã trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm về các giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,6-6,8% trong năm 2019.
Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. Ảnh: Danh Lam – TTXVN
Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời duy trì đà tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, dự báo trong năm 2019, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục gặp những khó khăn và thách thức.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,6-6,8% như kế hoạch Quốc hội giao, cần tận dụng mọi cơ hội: những thỏa thuận từ các FTA; cải thiện môi trường kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển..., đặc biệt là tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Để hiểu rõ hơn, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm xung quanh nội dung này. 

Phóng viên: Theo dự báo kinh tế thế giới năm 2019 sẽ tiếp tục có xu hướng tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro, thánh thức gia tăng. Ông nhận định gì về những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2019? 

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt nhiều kết quả tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao, tăng trưởng GDP năm 2018 vượt mục tiêu Quốc hội đặt ra, đạt mức tăng trưởng 7,08%, quy mô mở rộng với chất lượng ngày càng được cải thiện, thoát khỏi sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tài nguyên; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%...

Với kết quả tích cực của kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ tạo đà tăng trưởng cho năm 2019 và các năm tiếp theo. 

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao và tăng nhanh, hiện nay đã gấp đôi giá trị GDP, điều này chứng tỏ chúng ta khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước, đồng thời tranh thủ được thị trường thế giới.

Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh thực tế nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào bên ngoài, mọi biến động của thế giới cũng tác động tới nền kinh tế trong nước. Trong khi đó kinh tế thế giới dự báo tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thánh thức gia tăng. 

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống 3,5% năm 2019.

Tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế chủ chốt không còn diễn ra đồng đều trên diện rộng như năm 2017 và đầu năm 2018, động lực của các nền kinh tế lớn suy giảm, hầu hết các nền kinh tế đang nổi tăng trưởng chậm lại. 

Không những thế, cạnh tranh chiến lược tiếp tục gia tăng quyết liệt hơn thông qua liên kết kinh tế; đồng thời, bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc.

Xu hướng tăng lãi suất, biến động khó lường trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế và giá dầu tiếp tục diễn biến phức tạp tác động đến tăng trưởng tín dụng, tâm lý và kỳ vọng thị trường.

Kinh tế Mỹ đang quá “nóng” do đó Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá tạo áp lực không nhỏ lên điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam đồng. 

Bên cạnh yếu tố về thương mại toàn cầu suy giảm, cạnh tranh chiến lược tiếp tục gia tăng và biến động khó lường của thị trường tài chính - tiền tệ, xu hướng gia tăng của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch cùng những thay đổi về địa chính trị cũng là thách thức đối với kinh tế thế giới và gây ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam… 

Doanh nghiệp là khu vực tạo ra trên 60% GDP của nền kinh tế, môi trường thể chế và sức khỏe “nội tại” của khu vực doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tuy vậy, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018, Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá Việt Nam đứng thứ 77/140 nền kinh tế với số điểm và thứ hạng tương đối cao về ổn định kinh tế vĩ mô; về y tế sức khỏe và quy mô thị trường.

Tuy vậy các chỉ số đóng vai trò quyết định đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đạt thấp như: năng lực đổi mới sáng tạo; thị trường lao động; khả năng tiếp cận công nghệ; kỹ năng lao động; năng động của doanh nghiệp và thị trường sản phẩm…

Đây là những thách thức không nhỏ, có tính lâu dài đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. 

Phóng viên: Trước những khó khăn và thách thức còn tồn tại, thưa ông, đâu là động lực cho tăng trưởng kinh tế 2019? 

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Trước hết, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, gắn kết chặt chẽ với kinh tế khu vực và toàn cầu, đánh dấu thời điểm Việt Nam hoàn thành lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và cắt giảm thuế quan theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, bắt đầu thực thi các cam kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với mức độ cắt giảm sâu rộng. 

Việt Nam đã ký kết và bắt đầu triển khai các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với những cam kết sâu rộng, tiêu chuẩn cao và mở rộng trên nhiều lĩnh vực.

Những thỏa thuận FTA này tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam với độ mở cao của nền kinh tế, đồng thời tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI trong năm 2019 và những năm tiếp theo. 

Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ cũng sẽ là nền tảng quan trọng đóng góp rất lớn cho kinh tế Việt Nam.

Thời gian qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những cải thiện rõ rệt, cộng đồng doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều kết quả về cải cách thông qua việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Làn sóng khởi nghiệp hình thành đã huy động được nguồn vốn cho nền kinh tế. 

Cùng với đó, chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra giữa các ngành kinh tế mà còn có xu hướng chuyển đổi tích cực trong nội bộ ngành sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và chất lượng trong thời gian tới.

Lĩnh vực công nghiệp cũng đã chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng năm 2019. 

Phóng viên: Là cơ quan xây dựng, hoạch định chính sách cho Chính phủ, Tổng cục Thống kê có những kiến nghị, đề xuất gì để kinh tế phát triển bền vững? 

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Để phát huy hiệu quả của các động lực tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, năm 2019, theo tôi, Chính phủ và các địa phương trong cả nước cần tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cá thể; đồng thời, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển.

Chính phủ cần có chính sách và giải pháp phù hợp để khuyến khích các cơ sở kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp, tạo dựng điều kiện kinh doanh thuận lợi hoạt động ổn định lâu dài và tuân thủ pháp luật. 

Bên cạnh đó, cần tiến hành xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để thực hiện có hiệu quả Hiệp định CPTPP; đồng thời, tích cực vận động sớm phê chuẩn Hiệp định EVFTA; nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm nông sản. 

Mặc khác, cần ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tập trung nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đúng và thực thi phương châm: “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.

Chú trọng phát triển thị trường trong nước, chủ động kết nối, phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. 

Ngoài ra, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin cũng cần được đẩy mạnh; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế. 

Phóng viên: Trong điều kiện tự do hóa thương mại và cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang cơ hội cho kinh tế Việt Nam phát triển. Vậy, theo ông Việt Nam cần thực hiện những gì để tận dụng cơ hội này? 

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Trong điều kiện tự do hóa thương mại và Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa tạo dựng cơ hội phát triển cho kinh tế Việt Nam; tuy nhiên, cũng đưa đến những thách thức gây nguy cơ Việt Nam bị bỏ lại xa hơn các quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó quy mô kinh tế Việt Nam hiện còn nhỏ, dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp. Để nền kinh tế có thể hòa nhập, không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ cần có chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp nhằm khuyến khích các tổ chức kinh tế trong nước, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, tạo sự năng động của doanh nghiệp; đồng thời có chính sách và giải pháp mạnh mẽ, mang tính đột phá tạo dựng môi trường kiến tạo phát triển, đặc biệt phát triển khoa học công nghệ. 

Bên cạnh đó Chính phủ cần đổi mới phương thức thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, các nước nắm giữ công nghệ nguồn có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao đầu tư vào Việt Nam; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, ngăn ngừa việc chuyển dịch các dòng vốn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. 

Nền kinh tế đứng vững, phát triển thành công trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ lao động có trình độ, biết đổi mới sáng tạo, biết đưa ra ý tưởng mới.

Vì vậy, Chính phủ phải đổi mới phương thức, chương trình đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành; trong đó, tập trung đào tạo đội ngũ thực hành giỏi để đáp ứng nhu cầu lao động trong xu thế vận hành của cách mạng công nghiệp 4.0.

Đây cũng là nhiệm vụ để thực hiện ba khâu then chốt của nền kinh tế: đổi mới thể chế; xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. 

Phóng viên: Xin cám ơn ông! 

Tác giả bài viết: Thúy Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,172
  • Hôm nay132,351
  • Tháng hiện tại7,356,125
  • Tổng lượt truy cập380,476,462
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
Tổng cục Thống kê
Phân mềm giao việc_Taskgov
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành
Chiến lược phát triển TKVN
Tuyển dụng năm 2022
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây