Đăng Nhập Hi88: Trang Chủ

Điều tra dân số giữa kỳ

Những dấu ấn quan trọng về kinh tế - xã hội trong hành trình 75 năm thành lập và phát triển đất nước qua số liệu thống kê

Thứ hai - 07/09/2020 09:06 52749
Kể từ khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước ta đã trải qua những thăng trầm trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Chiến thắng trong các cuộc kháng chiến cứu quốc, tiếp đến là hàn gắn vết thương chiến tranh và tìm cơ chế, mô hình phát triển, đến nay Việt Nam đã đạt được nhiều dấu ấn quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Từ một quốc gia thuần nông, đại đa số người dân sống ở nông thôn, trình độ phát triển thấp, Việt Nam đã chuyển mình trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình trên thế giới. Cùng với tăng trưởng kinh tế, sự ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, giúp cho nước ta chủ động hơn trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Nhìn lại chặng đường 75 năm qua, có thể phác họa tổng quan bức tranh công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước ta như sau:
 
Thời kỳ 1945-1954: Đẩy mạnh sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế kháng chiến
 
Thời kỳ 1945-1954 là thời kỳ đầu tiên xây dựng chế độ kinh tế mới ở Việt Nam và là giai đoạn khó khăn nhất, gian khổ nhất vì vừa phải kháng chiến chống giặc, vừa phát triển kinh tế trong điều kiện nghèo nàn, thiếu thốn. Đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam thời kỳ này là nền kinh tế nông thôn, quy mô kinh tế rất thấp, tiềm lực yếu kém. GDP bình quân đầu người năm 1945 chỉ đạt 60 đồng, tương đương 35 USD.
 
Kinh tế nông thôn và sản xuất nông nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong giai đoạn này. Cùng với việc động viên nông dân tích cực tăng gia sản xuất, Chính phủ đã từng bước thực hiện các chính sách về ruộng đất như giảm tô, giảm tức. Với chính sách toàn dân tăng gia sản xuất, lại được sự giúp đỡ tận tình của Chính phủ, các cơ quan, các đơn vị bộ đội nên nông nghiệp trong suốt thời kỳ kháng chiến được bảo đảm ổn định và cung cấp đủ lương thực cho kháng chiến. Trong các vùng giải phóng, sản xuất nông nghiệp phát triển, sản lượng lương thực năm 1954 đạt gần 3 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946. Nông nghiệp đã hoàn thành sứ mệnh là nền tảng của kinh tế kháng chiến với những đóng góp to lớn giải quyết nạn đói các năm 1945, 1946.
 
Công nghiệp và thủ công nghiệp kháng chiến được xây dựng, đặc biệt là công nghiệp quốc phòng đã góp phần không nhỏ đáp ứng nhu cầu chiến đấu và tiêu dùng. Từ năm 1946-1950 đã sản xuất 20 nghìn tấn than cốc, 800 kg ăng-ti-moan; từ năm 1950 đến cuối năm 1952 sản xuất được 29,5 tấn thiếc; 43 tấn chì; những năm 1950-1954 sản xuất được 169,3 triệu mét vải; 31,7 nghìn tấn giấy…
 
Chính sách khuyến khích mở rộng việc buôn bán của Chính phủ đã làm hàng hóa được lưu thông tự do trong toàn quốc. Theo đó, một số văn bản pháp lý như Nghị định của Chính phủ ngày 02/10/1945 về bãi bỏ các luật lệ hạn chế kinh doanh dưới thời Pháp, Nhật; Sắc lệnh của Chủ tịch nước ngày 22/9/1945 về xóa bỏ các tổ chức độc quyền kinh doanh của người Pháp, Nghị định ngày 19/9/1945 của Bộ Quốc dân Kinh tế về xóa bỏ tất cả mọi hạn chế lưu thông hàng hóa thông thường cho kinh tế và đời sống như gỗ, giấy, lương thực, thực phẩm. Mặc dù hàng hóa trong thời kỳ này khan hiếm nhưng người dân vẫn có thể mua được dễ dàng các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày ở các chợ. Tuy nhiên, có thể nói đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất về lạm phát. Chỉ số giá bán lẻ bình quân năm trong giai đoạn 1945-1954 tăng khoảng 66%.
 
Cùng với nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, sự nghiệp giáo dục - chống giặc dốt được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, đi đôi với chống giặc ngoại xâm. Từ 1946 đến 1954 có 10,5 triệu người thoát nạn mù chữ. Bên cạnh đó, nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân được Đảng và Chính phủ luôn đề cao hàng đầu. Thời kỳ này số cơ sở khám chữa bệnh còn thưa thớt trên cả nước, chủ yếu là loại hình bệnh xá - năm 1943 cả nước có 771 cơ sở chữa bệnh, trong đó có 421 bệnh xá, 212 nhà hộ sinh, và 39 bệnh viện.
 
Thời kỳ 1955-1975: Khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, thực hiện các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất
 
Trong thời kỳ này, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) nhằm phấn đấu xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của các ngành kinh tế quốc dân, trước hết là các ngành công nghiệp và nông nghiệp. Năm 1975, GDP bình quân đầu người đạt 232 đồng, tương đương 80 USD.
 
Trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 1975 có 17 nghìn hợp tác xã nông nghiệp, tăng 12,2 nghìn hợp tác xã so với năm 1958; sản lượng lương thực quy thóc đạt 5,49 triệu tấn, tăng 1,73 triệu tấn so với năm 1955; năng suất lúa đạt 21,1 tạ/ha, tăng 5,2 tạ/ha; đàn lợn có 6,6 triệu con, tăng 4,2 triệu con.
 
Sản xuất công nghiệp từng bước được khôi phục và phát triển với đường lối công nghiệp hóa, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp được phục hồi và xây dựng. Năm 1975, giá trị tổng sản lượng công nghiệp đạt 4.175,4 tỷ đồng, gấp 13,8 lần năm 1955; bình quân năm trong giai đoạn 1956 -1975 tăng 14%/năm.
 
Thương nghiệp quốc doanh được nhà nước quan tâm và có sự phát triển nhanh chóng, làm nhiệm vụ hậu cần cho sản xuất và chiến đấu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội năm 1975 đạt 5.358,3 triệu đồng, gấp 7,8 lần năm 1955. Chỉ số giá bán lẻ giai đoạn 1955 -1975 mỗi năm tăng 4,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 66% của thời kỳ 1945-1954.
 
Cùng với phát triển kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cũng nâng lên. Hoạt động giáo dục đạt được những thành tựu lớn. Số người đi học năm 1975 đạt 6.796,9 nghìn người, gấp 5,3 lần năm 1955. Tính bình quân cho 1 vạn dân, năm 1955 có 949 người đi học thì đến năm 1975 có 2.769 người, gấp 2,9 lần. Nhờ những cố gắng, nỗ lực của ngành Y, y tế nông thôn ở miền Bắc trong thời kỳ này đã có những thay đổi rõ rệt. Số bệnh viện được đầu tư xây dựng ở miền Bắc, từ 57 bệnh viện, 17 bệnh xá năm 1955 lên thành 442 bệnh viện và 645 bệnh xá năm 1975. Số lượng cán bộ ngành y cũng tăng nhanh từ 108 bác sĩ năm 1955 lên 5.684 bác sĩ năm 1975. Năm 1975, thu nhập bình quân đầu người một tháng của gia đình công nhân viên chức ở miền Bắc là 27,6 đồng (tăng 57,7% so với năm 1945); thu nhập bình quân đầu người một tháng của gia đình xã viên hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc là 18,6 đồng (gấp 2,6 lần).
 
Thời kỳ 1976-1985: Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp
 
Thực hiện hai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là Kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980) và Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981-1985), nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng: Khắc phục từng bước những hậu quả nặng nề của chiến tranh; Khôi phục phần lớn những cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, giao thông ở miền Bắc và xây dựng lại các vùng nông thôn ở miền Nam bị chiến tranh tàn phá.
 
Thời kỳ này, Nhà nước quản lý nền kinh tế chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính dựa trên hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh áp đặt từ trên xuống dưới. Các doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chỉ tiêu pháp lệnh được giao. Tổng sản phẩm trong nước bình quân mỗi năm trong giai đoạn 1977-1985 tăng 4,65%, trong đó: nông, lâm nghiệp tăng 4,49%/năm; công nghiệp tăng 5,54%/năm và xây dựng tăng 2,18%/năm. Theo loại hình sở hữu, sở hữu quốc doanh tăng 4,29%; sở hữu tập thể tăng 10,26% và sở hữu tư nhân, cá thể tăng 0,71%. Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ này thấp và kém hiệu quả. Nông, lâm nghiệp là ngành kinh tế quan trọng (chiếm 38,92% GDP trong giai đoạn này), nhưng chủ yếu dựa vào độc canh trồng lúa nước. Công nghiệp được dồn lực đầu tư nên có mức tăng khá hơn nông nghiệp, nhưng tỷ trọng trong toàn nền kinh tế còn thấp (chiếm 39,74% GDP), chưa là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
 
Thương nghiệp quốc doanh phát triển nhanh chóng, hợp tác xã tuy ở thời kỳ đầu xây dựng, nhưng đã có những bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường, nhờ đó hạn chế được nạn đầu cơ, tích trữ và tình trạng hỗn loạn về giá cả. Tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội bình quân thời kỳ này tăng 61,6%/năm.
 
Kinh tế tăng trưởng chậm làm mất cân đối cung - cầu (thiếu hụt nguồn cung), đồng thời do bị tác động bởi việc cải cách tiền lương vào năm 1985, là những nguyên nhân dẫn đến chỉ số giá bán lẻ tăng rất cao, bình quân giai đoạn 1976-1985 chỉ số giá bán lẻ tăng 39,53%/năm.
 
Chính phủ chủ trương nhanh chóng xóa nạn mù chữ và đẩy mạnh bổ túc văn hóa, xem đó là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Đầu năm 1978, tất cả các tỉnh và thành phố miền Nam đã căn bản xoá nạn mù chữ. Trong tổng số 1.405,9 nghìn người được xác định không biết chữ, có 1.323,7 nghìn người thoát nạn mù chữ. Công tác dạy nghề phát triển cũng mạnh mẽ. Năm 1977, trên cả nước chỉ có 260 trường trung học chuyên nghiệp, hơn 117 nghìn sinh viên và 7,8 nghìn giáo viên. Đến năm 1985, số trường trung học chuyên nghiệp là 314 trường, với quy mô 128,5 nghìn sinh viên và 11,4 nghìn giáo viên (tăng 9% về số sinh viên và 44,9% về số giáo viên so với năm 1977).
 
Hệ thống y tế được mở rộng, xây mới và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Số giường bệnh thuộc các cơ sở y tế tăng từ 89,4 nghìn giường năm 1976 lên 114,7 nghìn giường năm 1985. Số nhân viên y tế tăng từ 110,9 nghìn người năm 1976 lên 160,2 nghìn người năm 1985, trong đó số bác sĩ tăng từ 9.104 người lên 19.029 người.
 
Ở miền Bắc, mặc dù thu nhập bình quân đầu người một tháng của gia đình công nhân viên chức tăng từ 27,9 đồng năm 1976 lên đến 270 đồng năm 1984; thu nhập bình quân đầu người một tháng của gia đình xã viên hợp tác xã nông nghiệp tăng từ 18,7 đồng lên đến 505,7 đồng, nhưng do lạm phát cao, nên đời sống nhân dân hết sức khó khăn, thiếu thốn.
 
Thời kỳ 1986-2000: Thực hiện đường lối đổi mới nền kinh tế
 
Nhận ra những bất cập của cơ chế kinh tế hiện hành, Nhà nước bắt đầu có một số thay đổi trong chính sách quản lý kinh tế. Trong thời kỳ này, nước ta đã thực hiện đường lối đổi mới, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và định hướng xã hội chủ nghĩa.
 
Đường lối đổi mới của Đảng nhanh chóng được sự hưởng ứng rộng rãi của quần chúng nhân dân, khơi dậy tiềm năng và sức sáng tạo của các loại hình kinh tế để phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng sản phẩm cho xã hội. Giai đoạn 1986-2000, tổng sản phẩm trong nước bình quân mỗi năm tăng 6,51%; trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,06%; khu vực dịch vụ tăng 6,66%. Nếu so với tốc độ tăng chung của kinh tế thế giới và sự giảm sút nhanh của các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung Đông Âu và Liên Xô khi chuyển sang kinh tế thị trường, thì các tốc độ tăng trên của nền kinh tế Việt Nam là một kết quả đáng ghi nhận. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá. Năm 2000, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 24,53% GDP, giảm 13,53 điểm phần trăm so với năm 1986; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,73%, tăng 7,85 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 38,74%, tăng 5,68 điểm phần trăm. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế là đúng hướng và phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Một trong những thành tựu kinh tế to lớn của thời kỳ đổi mới là phát triển sản xuất nông nghiệp, mà nội dung cơ bản là khoán gọn đến hộ nông dân, thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ ở nông thôn, đánh dấu sự mở đầu của thời kỳ đổi mới trong nông nghiệp và nông thôn nước ta. Ngành nông nghiệp đã giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đưa Việt Nam từ nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Năm 2000, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 34,5 triệu tấn, gấp 2,1 lần năm 1986; lương thực có hạt bình quân đầu người đạt 444,8 kg, gấp 1,6 lần; xuất khẩu gạo đạt 3.477 nghìn tấn, gấp hơn 26 lần.
 
Sản xuất công nghiệp đi dần vào thế phát triển ổn định với tốc độ tăng bình quân mỗi năm trong thời kỳ 1986-2000 đạt 11,09%. Những sản phẩm công nghiệp quan trọng phục vụ sản xuất và tiêu dùng của dân cư đều tăng cả về số lượng và chất lượng. Sản lượng điện năm 2000 gấp 4,7 lần so với năm 1986; sản lượng xi măng gấp 8,7 lần; thép cán gấp 25,6 lần; thiếc gấp 3,6 lần. Sản lượng dầu thô đã tăng từ 41 nghìn tấn năm 1986 lên gần 7,1 triệu tấn năm 1994 và 16,3 triệu tấn năm 2000. Các cơ sở sản xuất công nghiệp đã quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm, không ngừng cải tiến mẫu mã, áp dụng công nghệ tiên tiến và thay đổi phương án sản xuất theo yêu cầu của thị trường.
 
Do sản xuất, kinh doanh hồi phục và có bước phát triển nên siêu lạm phát bước đầu đã được kiềm chế và đẩy lùi. Giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng từ mức tăng 3 chữ số mỗi năm trong 3 năm, 1986-1988, hai chữ số mỗi năm trong thời kỳ 1989-1992 đã giảm xuống chỉ còn tăng một chữ số trong thời kỳ 1993-2000. So với tháng 12 năm trước, chỉ số giá tiêu dùng năm 1988 tăng 349,4%; năm 1992 tăng 17,5% và năm 2000 giảm 0,6%.
 
Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác được củng cố và tăng cường. Tại thời điểm 01/4/1999, cả nước có 90% số trẻ em 14 tuổi tốt nghiệp tiểu học; 94% dân số trong độ tuổi 15-35 biết chữ. Sau 10 năm nỗ lực phấn đấu, đến giữa năm 2000, cả nước hoàn thành chương trình mục tiêu chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Chính sách cải cách tiền lương trong thời kỳ này đã thúc đẩy phát triển sản xuất làm cho đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người một tháng của dân cư tăng từ khoảng 1.600 đồng năm 1986 lên đến 295.000 đồng năm 1999. Thu nhập tăng nhanh góp phần làm cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của nước ta trong giai đoạn này đạt được những kết quả đáng kể. Nếu như năm 1993, tỷ lệ nghèo chung của Việt Nam tính theo phương pháp của Ngân hàng Thế giới là 58,1%, thì đến năm 1998 tỷ lệ nghèo này giảm xuống còn 37,4%.
 
Thời kỳ 2001 đến nay: Thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng
 
Trong thời kỳ này, đất nước ta thực hiện hai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là Chiến lược 2001-2010 và Chiến lược 2011-2020 nhằm xây dựng nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” theo phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng cùng có lợi, không can thiệp công việc nội bộ, cùng phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. Do tranh thủ được thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, nên kinh tế - xã hội nước ta đã có những biến đổi quan trọng, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Kinh tế liên tục tăng trưởng đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp. Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, GDP năm 2019 gấp 12,5 lần năm 2001. Tốc độ tăng GDP tương đối cao, bình quân năm trong giai đoạn 2001-2010 tăng 7,26%, đạt xấp xỉ tốc độ tăng 7,56%/năm của Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000, đây là một thành tựu phát triển kinh tế rất quan trọng của đất nước ta trong giai đoạn này. Trong giai đoạn 2011-2019, GDP tăng 6,3%/năm, trong đó năm 2018 tăng 7,08% và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008.
 
Năm 2008, nước ta đã ra khỏi nhóm nước và vùng lãnh thổ thu nhập thấp để gia nhập nhóm nước và vùng lãnh thổ thu nhập trung bình thấp, đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đó là thành tựu nổi bật nhất trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ này. GDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 2.715 USD, gấp 15 lần năm 1990; thu nhập bình quân đầu người 1 tháng đạt 4.294,5 nghìn đồng, gấp 12 lần năm 2002. Chất lượng tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế ngày một lớn. Năng suất lao động (NSLĐ) ngày càng được cải thiện đáng kể. Trong giai đoạn 2016-2019, NSLĐ toàn nền kinh tế tăng 5,86%/năm, cao hơn tốc độ 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Cơ cấu kinh tế nước ta đã bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tỷ trọng các ngành, trình độ công nghệ sản xuất, cơ cấu lao động đã chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng lao động qua đào tạo của các ngành kinh tế đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
 
Hoạt động kinh tế đối ngoại phát triển toàn diện và sâu rộng, đưa nước ta hội nhập ngày càng đầy đủ với kinh tế khu vực và thế giới. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa ngoại thương thực hiện trong giai đoạn 2011-2019 đạt 3.100,3 tỷ USD, gấp 20,2 lần giai đoạn 1991-2000 và gấp 3,6 lần giai đoạn 2001-2010. Tỷ lệ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP từ 112,5% năm 2000 tăng lên 142,2% năm 2005; 152,2% năm 2010 và 210,4% vào năm 2019. Điều này cho thấy nền kinh tế nước ta có độ mở ngày càng cao và tăng lên tương đối nhanh, nước ta đã khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước và tranh thủ được thị trường thế giới. Kể từ khi thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài từ năm 1988, thu hút đầu tư nước ngoài vào nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 2019, số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4.028 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 38.951,7 triệu USD, tương ứng gấp 19,1 lần và 24,3 lần so với giai đoạn 1988-1990. Đầu tư trực tiếp nước ngoài trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho sự phát triển kinh tế- xã hội, có tác dụng to lớn trong việc thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao năng lực quản lý và trình độ công nghệ cho nền kinh tế. Đặc biệt, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thúc đẩy việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới.
 
Trong thời kỳ này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia Xoá đói giảm nghèo và Việc làm giai đoạn 2001-2005; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo giai đoạn 2006-2010; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Điều này đã góp phần quan trọng giúp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của nước ta trong thời kỳ này đạt được nhiều kỳ tích. Tỷ lệ nghèo chung của Việt Nam tính theo phương pháp của Ngân hàng Thế giới năm 2002 đang ở mức là 28,9%, đến năm 2018 đã giảm xuống 6,7%.
 
Những dấu ấn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta kể từ năm 1945 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, chính sách, đường lối nhất quán của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội. Vị thế của Việt Nam thay đổi đáng kể trên thế giới và trong khu vực ASEAN. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 8 thế giới và thứ 2 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng GDP; là một trong 30 nước có mức tăng trưởng xuất, nhập khẩu cao và là nền kinh tế có quy mô xuất khẩu thứ 22 trên thế giới. Việt Nam đã vượt trên các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, xếp hạng thứ 25 thế giới về hấp dẫn vốn FDI. Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2019 tăng lên 10 bậc so với năm trước, xếp thứ 67 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ; chỉ số HDI xếp hạng 117 trong số 177 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ở khía cạnh ngoại giao kinh tế, đến nay đã có trên 70 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Trong nhiều năm qua, Việt Nam tham gia tích cực vào việc đàm phán cũng như ký kết, phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 16 FTA song phương và đa phương. Đặc biệt, ngày 30/3/2020, Nghị viện châu Âu đã thông qua FTA giữa EU và Việt Nam (EVFTA) và Quốc hội nước ta phê chuẩn Hiệp định này vào ngày 08/6/2020. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam, mà còn thể hiện sự chủ động của Việt Nam trong việc hình thành hệ thống thương mại quốc tế. Tính đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia trên thế giới. Hoạt động đối ngoại ngày càng được mở rộng và khẳng định rõ bản lĩnh và bản sắc của Việt Nam với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều vào hòa bình, hợp tác và phát triển không chỉ trong khu vực ASEAN mà còn cả trên thế giới.
 
Do hội nhập kinh tế sâu rộng, kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Tuy nhiên, nhờ có các biện pháp đối phó chủ động từ Trung ương tới địa phương, tác động y tế của dịch bệnh không nghiêm trọng như nhiều quốc gia khác. Kinh tế vĩ mô và tài khóa giữ được ổn định, với mức tăng trưởng GDP ước tính đạt 1,81%, trong 6 tháng đầu năm 2020. Tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra là khó dự đoán, tùy thuộc vào quy mô và thời gian kéo dài của dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 cũng cho thấy cần phải cải cách mạnh mẽ hơn để kinh tế phục hồi trong thời gian tới, như: cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế số, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Đây là các nội dung chính mà Việt Nam cần thực hiện để cải cách nhanh và mạnh hơn.
 
Khái quát lại, sau 75 năm kể từ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, tuy vẫn còn tồn tại những hạn chế, nhưng nước ta đã đạt được những dấu ấn to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử trên các mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, làm thay đổi căn bản bộ mặt của đất nước. Từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, qua quá trình phấn đấu, chuyển đổi mô hình, hoàn thiện môi trường thể chế, kinh doanh, hội nhập kinh tế sâu rộng, đến nay nền kinh tế nước ta từng bước gia tăng về quy mô; được xếp vào hàng ngũ các nền kinh tế có mức tăng trưởng cao trên thế giới; trở thành một nước có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục hoàn thiện đường lối xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới./.

Nguồn tin: consosukien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập800
  • Hôm nay161,991
  • Tháng hiện tại7,385,765
  • Tổng lượt truy cập380,506,102
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
Tổng cục Thống kê
Phân mềm giao việc_Taskgov
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành
Chiến lược phát triển TKVN
Tuyển dụng năm 2022
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây