MÁU “ANH HÙNG RƠM” ĐỔI HAI MẠNG NGƯỜI
Sự việc được bắt đầu từ “ly rượu oan nghiệt” trong bữa tiệc sinh nhật của một người bạn tên M (1995), học sinh lớp 12, trường THPT Phú Riềng, xã Phú Riềng. Tối 14-4-2013, Trần Hữu Hạnh Phúc (1992), ở xã Thuận Lợi (Đồng Phú) và Trịnh Tiến Đoàn (1993), ở xã Phú Trung (Bù Gia Mập) cùng nhóm bạn tới dự sinh nhật của M. Đến 19 giờ cùng ngày, Phúc sang bàn của Đoàn mời rượu. Khi đến lượt mình uống, Đoàn thấy trong ly có một mẩu bánh mì nên đã đổ ly rượu đi. Phúc nghĩ Đoàn coi thường mình nên đã dùng tay tát vào mặt Đoàn nhưng lại trúng vào một người bên cạnh. Thấy vậy, Trần Bá Kỳ (nhóm bạn của Phúc) cầm ghế đánh Đoàn. Được mọi người can ngăn, cả hai nhóm bỏ về.
Công an tỉnh khám nghiệm hiện trường.
Tưởng sự việc đến đây là kết thúc. Ai ngờ khoảng 15 phút sau, Đoàn cùng Lê Ngọc Cường, Tô Hoàng Suyên và một số bạn khác cầm theo dao, gậy mai phục ở ngã tư Cầu Đường (cách nhà M khoảng 1km) để đánh nhóm của Phúc. Tại đây, sau một hồi lời qua tiếng lại, hai nhóm lao vào hỗn chiến. Trong lúc ẩu đả, Phúc bị đâm 3 nhát xuyên tim, chết tại chỗ; còn Đoàn bị chém nhiều nhát dao trọng thương, chết trên đường đi cấp cứu. Lê Đình Hải (1993) ở xã Phú Riềng bị trúng một nhát dao xuyên bụng, được mọi người đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
NỖI ĐAU CHƯA NGUÔI
Ngày 16-4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định bắt khẩn cấp 9 đối tượng liên quan đến vụ “huyết chiến” trên để điều tra, làm rõ vụ án. Các nghi can bị bắt gồm: Võ Quốc Đại (23 tuổi), Ngô Quốc Nam (20 tuổi), Đỗ Đức Anh (18 tuổi), Nguyễn Văn Anh (18 tuổi), Đinh Văn Thọ (25 tuổi), cả 5 cùng ngụ xã Phú Riềng (Bù Gia Mập); Tô Hoàng Suyên (19 tuổi), Lê Ngọc Cường (20 tuổi), cùng ngụ xã Phú Trung (Bù Gia Mập); Trần Văn Hiệp (17 tuổi), ngụ xã Bù Nho (Bù Gia Mập); Trần Bá Kỳ (18 tuổi), ngụ xã Thuận Lợi (Đồng Phú).
|
Cái chết của Đoàn, Phúc đã để lại nỗi đau tột cùng cho hai gia đình. Bà T - mẹ Đoàn, khi hay tin con mình bị đâm chết như chết lịm, mấy ngày quên ăn quên ngủ. Bà cho biết: “Hôm đó, bạn của Đoàn tới nhà rủ đi sinh nhật. Khoảng gần 2 giờ sau, đứa bạn gọi điện thoại về thông báo Đoàn bị đâm. Gia đình đến nơi thì cháu đã ngừng thở. Thế là hết, nhà chỉ có một mình cháu là con trai duy nhất, bao nhiêu dự định đều tan vỡ...”. Nói đến đây, bà T bật khóc nức nở. Còn Phúc là con thứ ba trong gia đình đông anh em, cha mẹ đã già yếu. Học đến lớp 6, Phúc phải bỏ học để giúp gia đình. Lớn lên, do ham chơi theo nhóm đàn anh đàn chị, nên tự bao giờ trong con người Phúc đã có thói quen hành xử theo kiểu “giang hồ”. Nhiều người cho rằng, cái chết của Phúc là hệ lụy của lối sống buông thả và sự thiếu quản thúc của gia đình.
Còn trường hợp của Lê Đình Hải, dù bị đâm một nhát dao xuyên dạ dày và cắt đứt một phần lá gan bên phải, nhưng Hải may mắn sống sót. Từ ngày bị đâm đến nay, bố mẹ Hải vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót và phải chạy ngược xuôi lo tiền thuốc. Bà Chu Thị Nhung - mẹ Hải nhớ lại: “Hôm đó, nhìn con nằm trên giường bệnh ói ra máu, mắt trợn trừng, hỏi gì cũng không biết, tôi đã nghĩ nó không qua khỏi...”. Kể đến đây, bà Nhung nghẹn ngào trong nước mắt: “Sau đó, bác sĩ yêu cầu gia đình ký giấy cam kết để phẫu thuật, dù biết tỷ lệ sống sót của con chỉ khoảng 10%. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 5 giờ. Đến đầu giờ chiều ngày 15-4, Hải qua cơn nguy kịch. Gia đình thuê xe đưa Hải lên bệnh viện tuyến trên, nay đã dần bình phục”.
Cái chết của Phúc, Đoàn và sự sống sót của Hải trong gang tấc là bài học cảnh tỉnh cho những ai còn có hành động thiếu suy nghĩ, ngông cuồng, máu anh hùng rơm. Đây cũng là thông điệp cho những gia đình có con ở tuổi vị thành niên, cần dành thời gian quan tâm, giáo dục các em nhiều hơn, vì ở độ tuổi này các em rất dễ bị kích động, đua đòi và hành động đôi khi thiếu suy nghĩ./.
Theo Báo Bình Phước