Không ít doanh nghiệp chế biến hạt điều phải hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu.
Theo đó, trong tháng 4/2017, giá cà phê giảm mạnh 9,4% so với cuối tháng 3/2017, do thị trường trầm lắng khi lượng cà phê dự trữ của các nhà rang xay tương đối dồi dào, dẫn đến nhu cầu mua vào thấp. Tương tự, giá cao su giảm mạnh 8-16% trong tháng 4/2017, nguyên nhân là nhu cầu cao su trên thị trường thế giới chững lại do nguồn cung cao su thế giới tăng, trong khi tồn kho cao su của Trung Quốc vẫn ở mức cao. Xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 4/2017 giảm 9,4% về lượng và 15% về trị giá so với tháng trước, ước đạt 60.000 tấn, trị giá 118 triệu USD, giảm 18,9% về lượng nhưng tăng 17,6% so với tháng 4/2016. Tính chung 4 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cao su của nước ta đạt 310.000 tấn, trị giá 629 triệu USD, tăng 0,8% về lượng và tăng tới 70,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá thu mua hạt điều tươi tại Bình Phước và Đồng Nai đã giảm 30% so với cuối tháng 3/2017, xuống mức 32.000 đồng/kg và 33.000 đồng/kg. Giá giảm là do một số cơn mưa rải rác vào thời điểm cuối vụ, làm lượng nước trong hạt cao hơn nên chất lượng hạt điều không đạt bằng đầu vụ. Càng vào chính vụ, giá điều lại giảm. Người trồng điều bị tư thương ép giá là do khi sản lượng điều đạt thấp, người dân bắt đầu nảy sinh tâm lý chạy theo số lượng mà bỏ qua vấn đề chất lượng. Do đó, lượng điều xấu, nhiều tạp chất vẫn được nông dân thu hái và trà trộn khiến tư thương xem đây là cái cớ để ép giá điều giảm xuống gây bất lợi cho bà con. Năm nay, điều mất mùa, sản lượng giảm mạnh, chất lượng cũng giảm khiến ngành chế biến điều cũng giảm lợi nhuận. Dù đang là thời điểm thu hoạch điều, nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến vẫn phải dựa vào nguồn điều nhập khẩu trữ trong kho từ vụ năm ngoái. Hiện nay, không ít doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng để chờ mùa thu hoạch điều thế giới./.
Nhật Phong