Đăng Nhập Hi88: Trang Chủ

Muôn nghề kiếm sống: Mưu sinh trên ngọn dừa

Thứ tư - 11/12/2013 10:57 1447
(CTTĐTBP) - Trên địa bàn tỉnh, hàng ngàn người đang bươn chải kiếm sống với nhiều nghề khác nhau. Có những nghề tiếp nối từ truyền thống xa xưa, có những nghề “mới toanh” được hình thành từ cuộc mưu sinh đời thường. Tuy không còn cảnh “áo cơm ghì sát đất”, nhưng phảng phất trong đó là sự lam lũ, ý chí vươn lên của những con người bình dị, hay lam hay làm. Dù chưa giàu, song họ đã có cuộc sống ổn định từ những nghề khá đặc biệt!
 
“Để đề phòng rắn độc trên ngọn dừa, khi người hái dừa trèo lên gần đến ngọn, phải rung tàu dừa thật mạnh cho rắn hoảng sợ lao ra khỏi ngọn cây, sau đó tiếp tục leo lên để hái” - anh Tô Duy Hợi, ngụ ấp Đồng Tân, xã Đồng Nơ (Hớn Quản) chia sẻ kinh nghiệm về nghề hái dừa với chúng tôi.

“CHIẾN TRƯỜNG” TRÊN NGỌN CÂY
 
Trong hàng trăm nghề mưu sinh, anh Hợi lại chọn cho mình nghề buôn, hái dừa. Đây là nghề có phần nguy hiểm, vất vả nhưng cho thu nhập cao. Anh Hợi nói: “Nhìn ngọn dừa xanh rờn và hiền hòa thế kia, nhưng trên đó ẩn chứa nhiều rủi ro. Trèo lên đó như lâm trận, người hái dừa phải đối mặt với ong vò vẽ, kiến lửa, rắn độc... đang chờ sẵn”. Anh Hợi tiếp chuyện: Vào mùa khô, ong thường làm tổ trên ngọn dừa. Từ dưới đất nhìn lên, không thể nào phát hiện được tổ ong. Khi trèo lên đến ngọn dừa, ong bị động, vỡ tổ ùa ra, tấn công tới tấp. Có người bị ong bao vây cả đàn, vội vã tụt xuống gốc, rách hết da chân da tay, xước bụng. Có người bị ong chích vào mặt sưng húp, nằm mê man suốt mấy ngày liền. Có trường hợp bị kiến bò vào người, cắn ngứa chịu không nổi hoặc bị kiến đái vào mắt, kêu la oai oái vì xót.
 

Anh Tô Duy Hợi hằng ngày mưu sinh trên ngọn dừa.
 
Anh Hợi cho biết thêm: “Đáng sợ hơn cả là những cây dừa có rắn độc trú trên ngọn. Chúng lên được ngọn dừa là nhờ những cành cây kế bên. Rắn nằm dưới bẹ dừa chờ ăn bọ, chuột; đụng phải chân người, chúng lao ra cắn ngay. Có người xuống kịp được đưa đi cấp cứu. Có người xuống nửa cây, hoảng loạn buông tay và hậu quả khó lường”. Theo kinh nghiệm của anh Hợi, để đề phòng rắn độc trên ngọn dừa, khi trèo lên gần đến ngọn, phải rung tàu dừa thật mạnh cho rắn hoảng sợ lao ra khỏi ngọn, sau đó tiếp tục leo lên để hái.
 
Một trong những nguy hiểm của nghề trèo hái dừa là những ngày cơ thể mệt mỏi, vừa leo lên nửa chừng thì bị chuột rút. Trong trường hợp này, người trèo phải bình tĩnh, cố ghì thân mình vào cây dừa bằng tay và chân còn lại, chờ hết chuột rút mới trèo lên tiếp hoặc tụt xuống. Có trường hợp người trèo hoảng loạn, vội nắm phải tàu dừa khô và rơi từ trên cao xuống, chịu cảnh tật nguyền hoặc nằm liệt giường.

CÔNG CAO - SỨC NẶNG
 
Sau khi thỏa thuận giá với chủ vườn, trong nháy mắt, anh Hợi đã ở trên ngọn dừa, cách mặt đất khoảng 12m. Trên ngọn cây, bốn bề đầy nắng, gió. Vào mùa khô, nếu không quen người trèo có cảm giác chóng mặt, say nắng, không thể giữ vững cơ thể mà hái dừa. Tuy nhiên, với anh Hợi thì khác. Anh như chú sóc, bám đu quanh ngọn dừa chọn thế đứng hái. Một tay anh vịn tàu dừa, tay còn lại chọn những buồng dừa ưng ý để hái. Sau khi chọn xong, anh Hợi cột dây thừng vào buồng dừa, chặt cuống và thả từ từ xuống đất.
 

Chất dừa lên xe.
 
Anh Hợi chia sẻ kinh nghiệm: “Đi mua dừa phải có 2 người. Sau khi hái và thả dừa từ trên ngọn xuống, một người dưới đất tháo dây thừng ra để người ở trên cây tiếp tục hái buồng khác. Nếu cho dừa rơi từ trên cao xuống, dừa dễ bị bể nứt, chảy hết nước; mặt khác nước dừa bị xóc mạnh, tạo ga, gây chua”. Hái dừa xong, anh Hợi tiếp tục làm cỏ dừa. Đó chính là việc chặt, dọn bẹ, hoa, áo dừa khô trên ngọn. Vệ sinh ngọn dừa sẽ giúp cây ra nhiều trái và cũng là cách để chủ nhà nhớ, giữ mối bán cho anh vào mùa sau.
 
“Giống dừa cũ cao khoảng 12-15m, chủ nhà không hái được nên mới gọi bán. Còn giống dừa mới cao chỉ 5-6m, rất thuận tiện cho người hái. Đối với giống dừa này, chủ nhà thường tự hái, bán cho quán nước. Mùa khô mới vào vụ thu hoạch chính. Trèo lên những cây giống cũ thường tốn nhiều sức lực, lại dễ bị say nắng, hái được 50-100 trái là người mệt lử” anh Hợi nói.
Tụt xuống đất, chưa kịp lau mồ hôi, anh Hợi vội đếm dừa để thanh toán tiền cho chủ nhà. Sau đó, anh và vợ chất dừa lên xe ba gác, chở đi nhập cho các cửa hàng, quán nước. Có những chuyến đi không thuận lợi, mất cả buổi sáng mới mua được dừa. Chị Tam (vợ anh Hợi) cho biết: “Không tính công trèo, mỗi trái dừa mua tại gốc có giá bình quân 4.000 đồng và giá bán ra khoảng 7.500 đồng. Một chuyến xe ba gác chở khoảng 250-300 trái dừa; sau khi trừ chi phí công, xăng xe, còn lãi khoảng 500 ngàn đồng”.
 
Tuy lời cao nhưng công sức bỏ ra rất nặng nhọc. Vì trên địa bàn tỉnh, cây dừa được trồng không nhiều, lại phân bố rải rác ở các huyện, thị xã. Mỗi chuyến đi của vợ chồng anh có lộ trình hàng chục đến cả trăm cây số mới tới được vùng trồng dừa. Những khu vực vùng sâu, hẻo lánh, thậm chí nơi không có đường đi mới có dừa. Mua và hái xong, vợ chồng anh phải vác nhiều chuyến và vượt cả nửa cây số mới ra chỗ để xe. Có lúc xe mắc lầy do trời mưa, phải dỡ dừa xuống, đẩy xe qua rồi lại chất lên.            
 
Nhất Sơn (Báo Bình Phước)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,177
  • Hôm nay32,307
  • Tháng hiện tại6,912,263
  • Tổng lượt truy cập380,032,600
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây