Sản xuất vụ mùa gặp khó vì thiếu nước
Trong tháng 7/2016, mưa đã xuất hiện rải khắp trên địa bàn tỉnh, song hậu quả của hạn hán vẫn còn dai dẳng, nặng nề. Tình trạng thiếu nước sản xuất vẫn tái diễn, cho nên tiến độ gieo trồng vụ mùa còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với cây lúa, ngô, khoai, mì (sắn)...
Hiện nay đang bước vào vụ thu hoạch một số cây ăn trái chính như xoài, bưởi, cam, quýt, chuối, sầu riêng, chôm chôm, ổi.
Qua thống kê, vụ mùa năm 2016, toàn tỉnh ước thực hiện được 21.978 ha, giảm 25,67% (7.592 ha) so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, nhóm cây lúa 4.286 ha, giảm 3.173 ha; bắp 2.087 ha, giảm 635 ha; khoai lang 526 ha, tăng 271 ha; khoai mì 11.205 ha, giảm 3.583 ha; hoa, cây cảnh 117 ha, giảm 9 ha; cây làm thức ăn gia súc 208 ha, giảm 78 ha so cùng kỳ năm 2015… Nguyên nhân là do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, thiếu nước sản xuất, đặc biệt là huyện Bù Gia Mập (theo báo cáo hiện nay chưa xuống giống được ha lúa nào).
Năng suất, sản lượng cây ăn trái đều giảm
Diện tích cây ăn trái các loại trên toàn tỉnh ước đạt 7.347 ha, tăng 6,27% (434 ha) so cùng kỳ 2015. Hiện nay, cây ăn trái đang bước vào vụ thu hoạch như: Xoài, bưởi, cam, quýt, chuối, sầu riêng, chôm chôm, ổi... Tuy nhiên, cũng do nắng hạn kéo dài nên năng suất, sản lượng các loại cây ăn trái đều giảm so cùng kỳ năm 2015.
Cây công nghiệp lâu năm tăng 3.379 ha
Tính đến tháng 7/2016, tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm toàn tỉnh ước đạt 399.085 ha, so cùng kỳ năm 2015 tăng 3.379 ha. Cây công nghiệp lâu năm chủ yếu là cây tiêu, điều, cao su, cà phê. Hiện cây tiêu, cây điều đã thu hoạch xong, bà con nông dân đang thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ, vệ sinh vườn cây. Cây cà phê đang trong giai đoạn cho trái non.
Tình hình sâu bệnh chỉ ở mức hại nhẹ đến trung bình
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 7/2016, một số diện tích cây vụ mùa, cây công nghiệp lâu năm bị mắc các bệnh thông thường. Cụ thể là: Đối với cây lúa bị nhiễm rầy nâu, sâu cuốn lá, bọ trĩ, đạo ôn, ốc bươu vàng; cây tiêu là tuyến trùng, rệp sáp, bệnh vàng lá; cây cà phê bệnh khô cành, khô quả rệp sáp, rệp vẩy, gỉ sắt, nấm hồng; cây điều sâu đục thân, bọ xít muỗi, bọ đục chồi; cây cao su vàng rụng lá, nấm hồng, loét sọc mặt cạo…
Tuy nhiên, công tác bảo vệ thực vật được các địa phương và ngành nông nghiệp quan tâm, duy trì triển khai các biện pháp phòng, chống. Do đó, tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng chỉ ở mức hại nhẹ đến trung bình, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng./.
Nhật Phong