Ảnh minh họa.
Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả công việc, phục vụ nhu cầu tuyển dụng lao động tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoặc tự tạo việc làm sau khi học nghề; đồng thời từng bước nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, lao động nông thôn có nhu cầu học nghề được hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên như sau: Lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi (người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị thu hồi đất); kế đến là lao động nông thôn thuộc diện có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, lao động thuộc các xã điểm nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh; cuối cùng là lao động nông thôn khác.
Các lao động có nhu cầu học nghề phải trong độ tuổi lao động. Đối với nữ, tuổi từ 16 đến 55; đối với nam, tuổi từ 16 đến 60. Đồng thời, phải có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với ngành nghề cần học; dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học. Riêng những người không biết đọc và viết, có thể tham gia học những nghề phù hợp thông qua hình thức kèm cặp, truyền nghề…
Lê Thanh