Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường” là một hình thức đổi mới cách phổ biến, giáo dục pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường; qua đó tăng cường ý thức tự tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên là chủ nhân tương lai của đất nước.
Theo đó, Cuộc thi này sẽ được phát động, tổ chức dưới hình thức thi trực tuyến trên phạm vi toàn quốc, chia thành 3 vòng. Trong đó, vòng loại tổ chức trong vòng 6 tuần, từ ngày 11/11/2019 đến hết ngày 22/12/2019; vòng bán kết tổ chức từ ngày 10/2/2020 đến ngày 23/2/2020; vòng chung kết dự kiến tổ chức vào cuối tháng 3/2020 và thi tập trung tại Thủ đô Hà Nội.
Đối tượng dự thi là học sinh các trường trung học phổ thông, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên (bảng A); học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (bảng B).
Nội dung thi gắn với kiến thức môn học giáo dục công dân, pháp luật cho học sinh, học viên, sinh viên các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đồng thời cập nhật, mở rộng một số nội dung, kiến thức pháp luật phù hợp với tâm lý, lứa tuổi.
Thí sinh đăng ký tham gia Cuộc thi và làm bài thi tại địa chỉ website: //timhieuphapluat.vn hoặc thông qua ứng dụng (app) của Cuộc thi và phải bảo đảm các yêu cầu về đăng ký dự thi quy định trong thể lệ.
Giải thưởng cuộc thi gồm giải vòng loại, bán kết, chung kết. Trong đó, giải vòng loại: Hằng tuần, Ban Tổ chức sẽ trao giải cho 10 thí sinh của mỗi bảng có điểm thi cao nhất và thời gian làm bài ngắn nhất, mỗi giải thưởng trị giá 300.000 đồng; các thí sinh đạt giải được Tập đoàn Giáo dục Egroup tặng Thẻ học online.
Giải thưởng vòng bán kết: Ban Tổ chức sẽ trao giải cho 30 thí sinh của mỗi bảng có điểm thi cao nhất và thời gian làm bài ngắn nhất, mỗi giải thưởng trị giá 1.000.000 đồng và được Tập đoàn Giáo dục Egroup tặng quà trị giá 1.000.000 đồng.
Giải thưởng vòng chung kết: Ban Tổ chức trao giải thưởng cho các cá nhân đạt giải và tập thể tích cực tham gia hưởng ứng, triển khai Cuộc thi. Đối với giải cá nhân (của mỗi bảng), các thí sinh đạt giải được Ban Tổ chức trao Giấy chứng nhận kèm hiện vật (nếu có) và mức giải thưởng như sau: 1 giải nhất, 6.000.000 đồng/giải; 1 giải nhì, 3.000.000 đồng/giải; 2 giải ba, 2.000.000 đồng/giải; 6 giải khuyến khích, 1.000.000 đồng/giải; một số giải phụ: 500.000 đồng/giải. Các thí sinh đạt giải nhất, giải nhì vòng chung kết được ưu tiên xét tuyển khi đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Luật Hà Nội theo Đề án tuyển sinh của trường. Thí sinh đạt giải nhất có thể được xét cấp học bổng tương tự như thủ khoa đầu vào khi đăng ký dự tuyển và trúng tuyển vào Trường Đại học Luật Hà Nội.
Đối với giải tập thể, Ban Tổ chức trao 5 giải cho 5 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng, triển khai Cuộc thi; mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng kèm theo Giấy chứng nhận. Ban Tổ chức trao 10 giải cho 10 nhà trường có tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia dự thi đông đảo, chất lượng bài dự thi tốt; mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng kèm theo Giấy chứng nhận./.