(CTTĐTBP) - Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030 (Quy hoạch), tầm nhìn đến năm 2050, chiều 22/2.
Theo báo cáo tại phiên họp, Bộ Xây dựng đã tiến hành lập Quy hoạch phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Quy hoạch bảo đảm nhu cầu sử dụng trong nước, cung cấp nguyên liệu có các dự án chế biến, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, hài hoà lợi ích quốc gia, địa phương và doanh nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, khoáng sản, phát triển bền vững; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch khai thác hơn 800 khu vực khoáng sản trên địa bàn 41 tỉnh, thành phố để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến. Trong đó tập trung khai thác khu vực khoáng sản đã được cấp giấy phép khai thác, bổ sung khai thác mới các khu mỏ đáp ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến mới. Ngoài nguyên liệu sản xuất xi măng, tập trung vào các loại khoáng sản: Cao lanh, felspat thạch anh, quartzit, cát trắng, đá hoa trắng, đá vôi làm vôi để sản xuất các sản phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Quy hoạch việc triển khai thăm dò 364 khu vực khoáng sản khác nhau, để xác định trữ lượng các loại khoáng sản chuẩn bị cho khai thác, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến. Trong đó, tập trung thăm dò cao lanh, felspat cho sản xuất gốm sứ; thạch anh, quartzit cho sản xuất đá nhân tạo và cát trắng, đá hoa, đá vôi.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện lập Quy hoạch vẫn còn một số nội dung vướng mắc như: Chồng lấn với quy hoạch các khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị, rừng tự nhiên hay khu vực địa phương cấp phép khai thác vật liệu xây dựng thông thường,…
Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên hội đồng thẩm định cho ý kiến về cơ sở pháp lý, độ tin cậy của dữ liệu, dự báo trong quy hoạch; giải pháp công nghệ để xem xét mở rộng, khai thác tối đa những khu vực mỏ trước đây chưa thực hiện được; cân đối nhu cầu sử dụng khoáng sản của địa phương và liên vùng; các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; sử dụng vật liệu tái chế làm vật liệu xây dựng, nhằm giảm thiểu tác động, tổn hại đến cảnh quan môi trường, giữ gìn địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, hệ sinh thái quý hiếm,…
Các chuyên gia phản biện, thành viên hội đồng thẩm định đánh giá, tài liệu hồ sơ trong dự thảo Quy hoạch đã được chuẩn bị, tiếp thu, giải trình, đăng tải theo đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch. Quy hoạch đã nêu đúng, đầy đủ hiện trạng, tồn tại, hạn chế của việc thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020.
Cùng với việc giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp 19 bộ, ngành, 61 tỉnh, thành phố, 36 thành viên Hội đồng thẩm định, Bộ Xây dựng cũng thực hiện tích hợp, cập nhật nội dung liên quan trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch bảo vệ môi trường và các quy hoạch khác liên quan đến lĩnh vực khoáng sản.
Qua các báo cáo, ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá Bộ Xây dựng đã bám sát các quy định pháp luật về quy hoạch, luật chuyên ngành, quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.
Bộ Xây dựng cũng hết sức cầu thị, khoa học, quán triệt một số quan điểm mới về kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên khoáng sản; bước đầu áp dụng phương pháp mới trong dự báo, đánh giá nhu cầu và tiềm năng, trữ lượng khoáng sản để đưa ra tính toán ban đầu.
Tuy nhiên, Quy hoạch cần cập nhật đầy đủ, chính xác các số liệu, bảo đảm kết quả phương pháp tính toán, dự báo nhu cầu sát với thực tế; xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất phục vụ công tác quản lý, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
"Quy hoạch cần bổ sung, làm rõ quan điểm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đa mục đích tài nguyên khoáng sản theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó công nghệ khai thác, chế biến hết sức quan trọng, và bảo đảm hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ cảnh quan, môi trường", Phó Thủ tướng lưu ý.
Về việc chồng lấn với các quy hoạch khác ở địa phương, Phó Thủ tướng nêu rõ: Tài nguyên khoáng sản là tài sản quốc gia nên chúng ta phải có trách nhiệm khai thác, sử dụng, bảo vệ. Đối với những khu vực có trữ lượng khoáng sản không đáng kể, không phải quy mô công nghiệp thì ưu tiên cho các hoạt động kinh tế-xã hội, kinh tế xanh. Khu vực có trữ lượng khoáng sản lớn, quy mô công nghiệp thì ưu tiên khai thác khoáng sản, không để lãng phí, sau đó thực hiện các hoạt động kinh tế-xã hội khác, trừ những khu vực có trữ lượng rất lớn, hoặc các hoạt động kinh tế-xã hội không ảnh hưởng đến mỏ/quặng khoáng sản.
"Quy hoạch khai thác khoáng sản phải bảo vệ cảnh quan, môi trường; tuyệt đối không để ảnh hưởng, tác động đến những khu vực cần bảo tồn về thiên nhiên, văn hoá, lịch sử", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Đối với việc phân cấp cho địa phương thăm dò, khai thác mỏ khoáng sản sử dụng làm vật liệu xây dựng trên địa bàn, nếu phát hiện những loại khoáng sản đi kèm có giá trị cao hơn nhiều lần, Phó Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo bổ sung, tránh tình trạng lợi dụng, khai thác trái phép.
Phó Thủ tướng đề nghị không đưa vào Quy hoạch những khu vực mới chỉ có thông tin ban đầu, chưa điều tra, khảo sát, thăm dò; không gắn Quy hoạch với những dự án chi tiết, cụ thể; việc điều chỉnh Quy hoạch phải tuân theo quy định của pháp luật, Luật Quy hoạch;…
"Không nên khuyến khích việc khai thác, sử dụng khoáng sản làm phá vỡ cảnh quan, môi trường, vì vậy, khi đánh giá trữ lượng, cấp phép khai thác phải kèm theo giải pháp công nghệ, giải pháp môi trường, không để lãng phí tài nguyên khoáng sản", Phó Thủ tướng nhắc lại.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến, đóng góp trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.