Chôm chôm ở Bình Phước đang vào vụ thu hoạch
Theo đánh giá sơ bộ của Cục Thống kê tỉnh, tình hình sản xuất vụ đông xuân thường không ổn định qua mỗi năm, do tác động của diện tích đất, thời tiết và theo cơ chế thị trường một số loại cây có diện tích lớn lại là những cây trồng xen trong diện tích đất trồng cây lâu năm. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh phát triển nhiều do diện tích đất trồng nhỏ lẻ, hiệu quả giá trị trên héc-ta còn thấp hơn các loại cây khác…
Trong tháng 5/2019, đối với cây ăn quả, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đang thu hoạch, gồm một số loại cây chính sau: Xoài diện tích hiện có 582ha, sản lượng 1.792 tấn, so cùng kỳ tăng 2,63%; chuối diện tích hiện có 760ha, sản lượng 3.345 tấn, tăng 4,66%; cam diện tích hiện có 468ha, sản lượng 1.425 tấn, tăng 11,24% so cùng kỳ; bưởi diện tích 1.074ha, so cùng kỳ tăng 14,01% và sản lượng tăng 17,75%; nhãn diện tích 1.284ha, so cùng kỳ giảm 7,36%; chôm chôm với 567ha, sản lượng thu 1.942 tấn, so cùng kỳ tăng 5,37%.
Đối với cây công nghiệp lâu năm, diện tích cây dừa toàn tỉnh hiện có 68ha, sản lượng thu hoạch 412 tấn, so cùng kỳ tăng 2,74%; điều diện tích 138.160ha, sản lượng thu hoạch 139.134 tấn, so cùng kỳ tăng 10,65% (năm nay thu hoạch điều kéo dài thời gian hơn các năm trước); hồ tiêu diện tích 16.831ha, sản lượng thu hoạch 29.247 tấn, tăng 20,33% so cùng kỳ; cao su diện tích hiện có 238.372ha, sản lượng 114.935 tấn, tăng 7,73% so cùng kỳ; cà phê diện tích 15.468ha, so cùng kỳ giảm 3,19%.
Trong tháng 5/2019, công tác bảo vệ thực vật đã được các cấp, các ngành quan tâm, do đó tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức hại nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng. Một số sâu bệnh phát sinh gây hại nổi bật trên các loại cây trồng như: Cây lúa chủ yếu là sâu rầy nâu; cây khoai mỳ bị nhiễm bệnh chủ yếu trên giống HL-S11, HL-S12; cây rau sâu bệnh chính hiện nay là sâu xanh, bọ nhảy, ruồi đục trái, thán thư gây hại rải rác ở hầu hết các vùng trồng rau; cây tiêu thời gian vừa qua hiện tượng tiêu chết hàng loạt đã gây thiệt hại nặng về kinh tế của nhiều hộ dân; cây cà phê chủ yếu bệnh rệp sáp, rỉ sắt, khô cành, mọt đục cành gây hại; cây điều bệnh cháy lá, khô cành, bọ xít muỗi, thán thư, sâu đục thân cành, bọ trĩ...; cây cao su chủ yếu bệnh nấm hồng, loét sọc miệng cạo, nứt thân xì mủ, bệnh phấn trắng...; cây ăn trái bệnh chổi rồng, sâu đục cành, ruồi đục trái, xì mủ thân, thán thư...