Đăng Nhập Hi88: Trang Chủ

Văn bản QPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6/2019

Thứ sáu - 19/07/2019 18:05 2599
(CTTĐTBP) - Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6/2019. Cụ thể như sau:
I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH

Trong tháng 6/2019, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 15 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 11 Nghị định của Chính phủ và 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó:

Các Nghị định của Chính phủ gồm:

1. Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ;

2. Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước;

3. Nghị định số 49/2019/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật công an nhân dân;

4. Nghị định số 50/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong Quân đội;

5. Nghị định số 51/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ;

6. Nghị định số 52/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật đặc xá;

7. Nghị định số 53/2019/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch thủy lợi; đê điều; phòng, chống lũ của tuyến sông có đê;

8. Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường;

9. Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

10. Nghị định số 56/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch;

11. Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương giai đoạn 2019 - 2022.

Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:

1. Quyết định số 20/2019/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

2. Quyết định số 21/2019/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của ngành thông tin và truyền thông;

3. Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp;

4. Quyết định số 23/2019/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.

II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

1. Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 7 năm 2019.

Trường hợp sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy mà làm tăng số lượng cấp phó của cơ quan, tổ chức, đơn vị so với quy định tại Nghị định này thì trong thời hạn đến hết năm 2020, cơ quan thuộc Chính phủ phải hoàn thành việc sắp xếp, bố trí để giảm số lượng cấp phó, bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định này.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ; thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ, cụ thể: (1) Nhiệm vụ, quyền hạn về tổ chức bộ máy, công chức, viên chức và người lao động; (2) Cơ cấu tổ chức; (3) Số lượng cấp phó của cơ quan thuộc Chính phủ.

2. Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2019.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước đảm bảo phù hợp với Luật du lịch (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018).

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 31 điều, quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước tại Việt Nam, cụ thể: (1) Quản lý hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước (Nguyên tắc hoạt động vui chơi, giải trí; Vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước; Điều kiện đối với phương tiện, người lái phương tiện khi tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước…); (2) Quản lý vùng hoạt động; (3) Đăng ký phương tiện (Tên, số đăng ký và kẻ số đăng ký, cơ quan đăng ký, thủ tục đăng ký…); (4) Tổ chức thực hiện (Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tài chính; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân và phương tiện có liên quan đến hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tại Việt Nam; không áp dụng đối với hoạt động lễ hội truyền thống và hoạt động lặn.

Phương tiện thủy nội địa hoặc tàu biển khi tham gia hoạt động phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước ngoài việc tuân theo các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa hoặc pháp luật về hàng hải, còn phải tuân theo các quy định tại Nghị định này.

Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục Mẫu giấy tờ sử dụng trong quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước, cụ thể: (1) Đơn đề nghị về việc chấp thuận tổ chức vùng hoạt động vui chơi giải trí dưới nước; (2) Đơn đề nghị công bố vùng hoạt động vui chơi giải trí dưới nước; (3) Quyết định công bố mở vùng hoạt động vui chơi giải trí dưới nước; (4) Đơn đề nghị về công bố đóng vùng hoạt động vui chơi giải trí dưới nước; (5) Quyết định công bố đóng vùng hoạt động vui chơi giải trí dưới nước; (6) Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện vui chơi giải trí dưới nước; (7) Giấy chứng nhận xóa đăng ký phương tiện vui chơi giải trí dưới nước; (8) Ký hiệu nhóm các chữ đăng ký phương tiện vui chơi giải trí dưới nước; (9) Đơn đề nghị đăng ký phương tiện vui chơi giải trí dưới nước (dùng cho phương tiện đăng ký lần đầu); (10) Đơn đề nghị đăng ký phương tiện vui chơi giải trí dưới nước (dùng cho phương tiện đăng ký lại); (11) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện vui chơi giải trí dưới nước; (12) Đơn đề nghị xóa đăng ký phương tiện vui chơi giải trí dưới nước.

3. Nghị định số 49/2019/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật công an nhân dân

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 7 năm 2019.

Nghị định này thay thế Nghị định số 103/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật công an nhân dân.

Các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu trong Nghị định này khi được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì nội dung dẫn chiếu trong Nghị định này cũng được điều chỉnh và thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật công an nhân dân, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 18 điều, quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật công an nhân dân, cụ thể: (1) Tiền lương và thời gian công tác để tính hưởng chế độ; (2) Chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thôi phục vụ trong công an nhân dân, hy sinh, từ trần; (3) Chế độ, chính sách đối với công nhân công an; (4)Kéo dài hạn tuổi phục vụ của sĩ quan công an nhân dân; (5) Điều khoản thi hành.

Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục Bảng lương công nhân công an.

4. Nghị định số 50/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong Quân đội

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 24 tháng 7 năm 2019.

Thông tư số 18/2014/TT-BQP ngày 17 tháng 4 năm 2014 của Bộ Quốc phòng quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong Quân đội; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Thông tư số 18/2014/TT-BQP ngày 17 tháng 4 năm 2014 của Bộ Quốc phòng quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 40 điều, quy định về: (1) Người hành nghề và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám, chữa bệnh; (2) Hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, thu hồi chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng; (3) Điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng; (4) Đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng; (5) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, người lao động hợp đồng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Ban hành kèm theo Nghị định này 05 Phụ lục, cụ thể: (1) Mẫu chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, giấy xác nhận thời gian thực hành và giấy chứng nhận cập nhật kiến thức y khoa liên tục; (2) Mẫu đơn đề nghị về cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động; (3) Mẫu văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động; (4) Mã ký hiệu phôi chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh các đầu mối thuộc Bộ Quốc phòng; (5) Mẫu quyết định bổ sung, đình chỉ, thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động.

5. Nghị định số 51/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2019.

Nghị định này thay thế Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ và Nghị định số 93/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.

Đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ xảy ra trước khi Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ và Nghị định số 93/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ để giải quyết.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ và Nghị định số 93/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 37 điều, quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, cụ thể: (1) Quy định chung về: Hình thức xử phạt, mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt; Biện pháp khắc phục hậu quả; (2) Hành vi vi phạm hành chính về hoạt động khoa học và công nghệ, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; (3) Hành vi vi phạm hành chính về hoạt động chuyển giao công nghệ, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; (4) Thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả về hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; (5) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng cho các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; người có thẩm quyền lập biên bản và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.

Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này gồm: (1) Tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; (2) Tổ chức kinh tế theo quy định của Luật doanh nghiệp; (3) Tổ chức kinh tế theo quy định của Luật hợp tác xã; (4) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; (5) Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; (6) Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.

Hộ kinh doanh, tổ hợp tác vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.

6. Nghị định số 52/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật đặc xá

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2019.

Nghị định số 76/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật đặc xá năm 2007 hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao quy định chi tiết một số điều Luật đặc xá, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 10 điều, quy định chi tiết Điều 11, Điều 19, khoản 1 Điều 21 của Luật đặc xá, cụ thể: (1) Thực hiện Quyết định về đặc xá; (2) Các điều kiện của người được đề nghị đặc xá; (3) Hồ sơ đề nghị đặc xá; (4) Thực hiện Quyết định đặc xá đối với người nước ngoài; (5) Trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá; (6) Thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá; (7) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; (2) Cơ quan, tổ chức, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến hoạt động đặc xá.

7. Nghị định số 53/2019/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch thủy lợi; đê điều; phòng, chống lũ của tuyến sông có đê

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 17 tháng 6 năm 2019.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch thủy lợi; đê điều; phòng, chống lũ của tuyến sông có đê; đảm bảo phù hợp với một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành như: Luật thủy lợi, Luật quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 24 điều, quy định về: (1) Chi phí lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch; (2) Lập quy hoạch; (3) Thẩm định, phê duyệt quy hoạch; (4) Điều chỉnh quy hoạch; (5) Tổ chức thực hiện; (6) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch thủy lợi; đê điều; phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

8. Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2019.

Nghị định này bãi bỏ các nội dung quy định tại: (1) Các Điều 24, 25, 26, 27, 29, 30, 31, 32 và 34, khoản 2 Điều 37, Điều 38 của Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ; (2) Các điểm e, g, h và i khoản 6 Điều 2 của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; (3) Các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 7 của Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; (4)Điều 1 Nghị định số 11/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định có quy định thủ tục hành chính liên quan đến yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nghị định số 11/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định có quy định thủ tục hành chính liên quan đến yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 21 điều, quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, cụ thể: (1) Nguyên tắc kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; (2) Điều kiện kinh doanh và trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; (3) Cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường; (4) Tổ chức thực hiện.

Nghị định này áp dụng đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh Việt Nam và nước ngoài kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục các biểu mẫu, cụ thể: (1) Đơn đề nghị cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường; (2) Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường; (3) Đơn đề nghị điều chỉnh Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường; (4) Giấy phép điều chỉnh Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường; (5) Văn bản thông báo chấm dứt kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường.

9. Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 8 năm 2019.

Nghị định này thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao quy định chi tiết một số điều Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 21 điều, quy định chi tiết các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức khác và cá nhân có liên quan trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể: (1) Nguyên tắc thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (2) Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu pháp luật; (3) Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (4) Trách nhiệm thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (5) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Bộ, cơ quan ngang bộ; chính quyền địa phương cấp tỉnh; (2) Doanh nghiệp nhỏ và vừa; (3) Tổ chức đại diện cho doanh nghiệp; (4) Cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (5) Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

10. Nghị định số 56/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 24 tháng 6 năm 2019.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao quy định chi tiết thi hành một số điều liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 29 điều, quy định chi tiết về việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được quy định tại khoản 2 Điều 1, khoản 6 Điều 2, khoản 10 Điều 2, khoản 2 Điều 3 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, cụ thể: (1) Quy định chung về: Cơ quan tổ chức lập quy hoạch và cơ quan lập quy hoạch; Điều kiện về năng lực chuyên môn đối với tổ chức tư vấn lập quy hoạch; Chi phí cho hoạt động quy hoạch; (2) Tổ chức lập quy hoạch; (3) Nhiệm vụ lập quy hoạch; (4) Nội dung quy hoạch và lấy ý kiến về quy hoạch; (5) Thẩm định quy hoạch; (6) Phê duyệt, công bố quy hoạch; (7) Tổ chức thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch; (8) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, tổ chức thực hiện, đánh giá và điều chỉnh liên quan đến quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải.

11. Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương giai đoạn 2019 – 2022

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 26 tháng 6 năm 2019.

Đối với các tờ khai hải quan của các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký từ ngày 14 tháng 01 năm 2019 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Nghị định này và đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương giai đoạn 2019 – 2022; thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về Chương trình hành động thực thi Hiệp định CPTPP.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 điều, ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương giai đoạn 2019 – 2022,điều kiện được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định và Danh mục hàng hóa và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với xe ô tô đã qua sử dụng áp dụng hạn ngạch thuế quan để thực hiện Hiệp định CPTPP.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Người nộp thuế theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; (2) Cơ quan hải quan, công chức hải quan; (3) Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Ban hành kèm theo Nghị định này 03 Phụ lục, cụ thể: (1) Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi để thực hiện hiệp định CPTPP; (2) Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện hiệp định CPTPP; (3) Danh mục hàng hóa và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với xe ô tô đã qua sử dụng áp dụng hạn ngạch thuế quan để thực hiện hiệp định CPTPP.

12. Quyết định số 20/2019/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 12 tháng 6 năm 2019.

Quyết định này thay thế Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 06 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo Quyết định, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị tương đương Tổng cục, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, bảo hiểm tiền gửi; tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật và phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật và trụ sở tại thành phố Hà Nội.

Cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng gồm 08 đơn vị, cụ thể: (1) Vụ Thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; (2) Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng; (3) Văn phòng; (4) Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng I; (5) Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II; (6) Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng III; (7) Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; (8) Cục Phòng, chống rửa tiền.

13. Quyết định số 21/2019/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của ngành thông tin và truyền thông

a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 8 năm 2019.

Quyết định này thay thế Quyết định số 182/2006/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật trong ngành bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm ban hành danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của ngành thông tin và truyền thông; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 182/2006/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật trong ngành bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, quy định danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của ngành thông tin và truyền thông.

Theo Quyết định, Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của ngành thông tin và truyền thông gồm những tin, tài liệu thuộc phạm vi sau đây: (1) Thông tin, tài liệu, số liệu, cơ sở dữ liệu, đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng thủ đất nước, ứng phó với chiến tranh, tình trạng khẩn cấp chưa công bố hoặc không công bố thuộc các lĩnh vực: bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; báo chí; xuất bản; in, phát hành; phát thanh và truyền hình, thông tin điện tử, thông tấn, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở; (2) Thông tin, tài liệu về các cuộc đàm phán, tiếp xúc cấp cao giữa Việt Nam với nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế về thông tin và truyền thông, kết quả điều tra, công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, phát minh, sáng chế, công trình khoa học, giải pháp hữu ích, bí quyết công nghệ ngành thông tin và truyền thông đặc biệt quan trọng với quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội chưa công bố hoặc không công bố; (3) Văn bản có sử dụng tin, tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của các cơ quan, tổ chức khác.

14. Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp

a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 26 tháng 6 năm 2019.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 6 năm 2018.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 chương, 09 điều, quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp bao gồm: (1) Đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp; (2) Mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp; (3) Rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp; (4) Địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp; (5) Thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp; (6) Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp; (7) Điều khoản thi hành.

Quyết định này áp dụng đối với: (1) Tổ chức, cá nhân trồng lúa; chăn nuôi trâu, bò và nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thuộc đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp; (2) Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

15. Quyết định số 23/2019/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập

a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2019.

Quyết định này thay thế Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục nếu trên vận đơn có ghi cảng đích là ICD Phước Long hoặc ICD Mỹ Đình thì thực hiện theo hướng dẫn trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 06 điều, quy định về danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, cụ thể: (1) Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập; (2) Cửa khẩu nhập; (3) Địa điểm làm thủ tục hải quan.

Theo Quyết định, hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập là hàng hóa đưa từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam theo khoản 2 Điều 28 Luật thương mại.

Quyết định này áp dụng đối với: (1) Tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này; (2) Cơ quan hải quan, công chức hải quan; (3) Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thực hiện thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này.

Ban hành kèm theo Quyết định này Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập./.

Tác giả bài viết: T.T

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,712
  • Hôm nay325,624
  • Tháng hiện tại7,549,398
  • Tổng lượt truy cập380,669,735
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây