Trong Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, các cấp nắm vững, quán triệt và thực hiện tốt các nội dung chủ yếu về học tập và làm theo Bác. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu ngành giáo dục tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn chương trình, giáo trình về đạo đức Hồ Chí Minh để giảng dạy ở các cấp học, bậc học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và đào tạo. Cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và đoàn thể các cấp có biện pháp cụ thể để tổ chức, chỉ đạo thực hiện hiện tốt việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 150.000 gương việc tốt, 350.215 cháu ngoan Bác Hồ đã được công nhận ở các cấp.
Nội dung trên đã chứng tỏ Bộ Chính trị rất coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thiếu niên, nhi đồng – những người chủ tương lai của đất nước. Đây là quan điểm đúng đắn, khoa học trên cơ sở kế thừa tư tưởng của Người: “Giáo dục nhi đồng là một khoa học”. Tiếp thu quan điểm đó, ngay từ năm học 2005 – 2006, Trung ương đoàn đã triển khai cuộc vận động “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”. Đây là cuộc vận động lớn, được triển khai rộng rãi cho thiếu niên, nhi đồng cả nước. Và từ đó, 5 điều Bác Hồ dạy: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/Học tập tốt, lao động tốt/Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/Giữ gìn vệ sinh thật tốt/Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” đã khắc sâu vào trái tim của mỗi thiếu nhi Việt Nam và như một bài học vỡ lòng dạy các em làm người hữu ích, con ngoan trò giỏi.
Từ năm học 2012 – 2013, phong trào “Nhà em treo ảnh Bác Hồ” được Tỉnh đoàn và Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Quảng Ninh phát động khởi xướng nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị 03, đồng thời giáo dục các em thiếu niên, nhi đồng học tập và làm theo Bác thông qua những hành động, việc làm nhỏ nhất. Phong trào này được Hội đồng đội trung ương đánh giá cao và cho triển khai nhân rộng trên toàn quốc. Qua phong trào đã tạo điều kiện cho các đội viên, thiếu nhi thể hiện tình cảm yêu quý đối với Bác, từ đó giúp các em học tập và noi theo gương Bác ngay từ thuở niên thiếu; thi đua rèn luyện đạo đức, học tập để kết thành những bông hoa tươi thắm kính dâng lên Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Để phong trào được triển khai rộng khắp, có hiệu quả trên toàn tỉnh trong thời gian tới, Hội đồng đội tỉnh và các liên đội, nhà trường cần có sự đổi mới về nội dung và hình thức triển khai. Đó là huy động được nguồn lực xã hội để tặng ảnh Bác Hồ cho học sinh vùng khó khăn, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát động tổ chức nhiều cuộc thi kể chuyện, vẽ chân dung về Bác Hồ để các em có cơ hội tìm hiểu nhiều về Bác. Hội đồng đội tỉnh chủ động tham mưu các cấp ngành liên quan xét trao tặng “huy hiệu cháu ngoan Bác Hồ” cho học sinh, các em thiếu niên, nhi đồng có những việc làm ý nghĩa, hành động đẹp, dũng cảm cứu người, giúp ích cho xã hội; có thành tích trong học tập, lao động, sáng tạo trẻ, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… Việc trao tặng huy hiệu sẽ giúp các em có động lực phấn đấu thi đua và nhận thức được việc tặng huy hiệu có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh là phần thưởng cao quý, tự hào.
“Nhà em treo ảnh Bác Hồ” là phong trào có ý nghĩa chính trị và xã hội to lớn, cho nên không chỉ dừng lại ở việc triển khai cho học sinh tiểu học mà cho học sinh các cấp, thậm chí trong mọi tầng lớp nhân dân; không chỉ dừng lại ở việc treo ở nhà, ở góc học tập của các em mà còn phải treo ở trường học. Do đó, các trường học trong tỉnh nên thành lập phòng trưng bày “Chân dung và sự nghiệp Hồ Chí Minh” để triển lãm những hình ảnh, cuốn sách, phim tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động, nêu bật những công lao đóng góp to lớn của Người cho cách mạng, cho dân tộc. Có như vậy, chân dung và tấm gương về Bác sẽ được tái hiện một cách đầy đủ, sinh động, tự nhiên và khắc sâu trong tâm trí của các em; tạo điều kiện cho các em được giác ngộ, học tập và làm theo Bác ngay từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường./.
Hồng Phấn