(CTTĐTBP) - Ngày 19/4/2024, UBND thị xã Bình Long tổ chức lễ công bố và đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam Hưng Lập Tự.
Tham dự buổi lễ có Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Bùi Quốc Bảo; Phó Tổng thư ký Ban Trị sự Trung ương Tịnh độ cư Việt Nam Trần Ngọc Giàu; Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đỗ Minh Trung.
Tịnh độ cư sĩ Hưng Lập Tự được xây dựng năm 1958, tọa lạc tại khu phố Phú Trọng, phường Phú Đức, thị xã Bình Long thuộc Giáo hội Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, tiền thân là Tịnh độ cư sĩ Phật hội tỉnh Bình Long (cũ). Đến năm 1983, Hưng Lập Tự được phép thành lập Tổ chẩn trị Đông y khám bệnh từ thiện.
Tại khuôn viên di tích vẫn còn cột cờ ghi dấu mốc năm 1958, tính đến nay đã trải qua 66 năm hình thành nhưng vẫn còn ghi dấu nét kiến trúc cổ kính, hiện trạng di tích được bảo quản, gìn giữ tốt. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hưng Lập Tự còn là một trong những chứng tích lịch sử, chính nơi đây chứng kiến sự tàn ác của đế quốc Mỹ, sự ngã xuống của nhiều người dân vô tội trong Chiến dịch mùa hè rực lửa tại An Lộc vào năm 1972.
Hiện nay, Ban Trị sự chi hội Hưng Lập Tự thị xã Bình Long gồm 05 ủy viên, 29 hội viên là tín đồ tịnh độ cư sĩ, 69 hội viên phước thiện, hoạt động dựa trên tôn chỉ mục đích hoạt động Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, tu theo pháp môn niệm Phật và theo tôn chỉ hành đạo “Phước huệ song tu”, "Hoằng dương Phật pháp", lấy y đạo làm phương tiện và phương châm hành đạo “Tu học - hành thiện - ích nước - lợi dân”.
Hiện tại, Chi hội Hưng Lập Tự có 07 y sĩ, 02 lương y đa khoa, 01 dược sĩ trung học; có vườn thuốc nam diện tích hơn 2ha, với nhiều loại dược liệu quý. Từ năm 2017 đến nay, đã tổ chức khám và điều trị bệnh từ thiện miễn phí bằng thuốc nam cho hơn 120.000 lượt người, với hơn 360.000 thang thuốc.
Tính đến nay, thị xã Bình Long đã có 01 di tích lịch sử cấp quốc gia, 05 di tích lịch sử cấp tỉnh, là những điểm đến giáo dục truyền thống cách mạng, bảo tồn văn hóa và tham quan của người dân, nhất là thanh thiếu niên, học sinh trong và ngoài thị xã. Đồng thời, nâng cao ý thức của Nhân dân, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc trên địa bàn thị xã./.