(CTTĐTBP) - Sáng 10/4/2024, Tổ công tác Đề án 06 thị xã Phước Long đã tổ chức hội nghị sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trên địa bàn thị xã.
Sau 02 năm thực hiện Đề án 06, trên địa bàn thị xã đã thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án 06 đã được các cấp, ngành, UBND các địa phương thực hiện quyết liệt. Các cơ quan tham mưu gồm: Công an thị xã, Văn phòng UBND thị xã đã làm tốt công tác tham mưu, đôn đốc các ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn thị xã.
Về cải cách hành chính, thị xã thực hiện 08/11 dịch vụ trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia, nhất là 02 nhóm dịch vụ công liên thông “khai sinh, khai tử”. Thị xã đã tiến hành kiểm tra việc cấp CCCD, định danh điện tử và làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo nguồn thông tin chính xác phục vụ chia sẻ, kết nối, đảm bảo dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Phước Long là một trong những huyện, thị, thành phố của tỉnh có số hồ sơ thực hiện 02 nhóm dịch vụ công liên thông cao thứ hai toàn tỉnh. Tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong các dịch vụ công thiết yếu có sự chuyển biến tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước và đã đi vào nề nếp, ổn định. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết sớm, đúng hẹn đạt 99,46%.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Ngọc Công khẳng định, Đề án 06 là trung tâm của công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Sau 02 năm thực hiện, Đề án đã mang lại những kết quả rất tích cực và khả quan trong toàn tỉnh, trong đó thị xã Phước Long cũng là một trong những địa phương tham gia rất tích cực.
Đồng thời, Chủ tịch UBND thị xã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong triển khai Đề án 06 và yêu cầu các ban, ngành liên quan chủ trì, phối hợp rà soát, nhận diện các tồn tại theo từng lĩnh vực phụ trách để có giải pháp một cách cụ thể, phù hợp. Trong đó, từng ban ngành, địa phương phải tự giao chỉ tiêu thực hiện và việc này phải thực hiện một cách đồng bộ, có sự đánh giá rõ ràng trong từng nhiệm vụ. Phải mạnh dạn đề xuất các phương án phù hợp tình hình thực tế để chủ động gỡ vướng mắc, không thụ động; cần đổi mới tư duy với những cách làm mới, hiệu quả, thực chất và mang tính đột phá, tạo sự khác biệt để thực hiện hiệu quả Đề án 06, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp...