(CTTĐTBP) - Tiền thân Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh là Ban Cao su Nam Bộ, đơn vị đã được tiếp nhận và quản lý từ Đồn điền CEXO của Pháp vào ngày 25/3/1973.
Đồn điền CEXO của Pháp được thành lập từ năm 1911. Lúc bấy giờ, lực lượng lao động tại chỗ không đáp ứng được quy mô trồng và mở rộng diện tích cao su trên địa bàn. Do đó, để thu tuyển lao động, giới địa chủ tư bản đã cấu kết cùng chính quyền thực dân mộ phu nông dân từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào làm cho chúng. Với thủ đoạn lừa mị, mua chuộc, bọn thực dân cam kết với bà con nông dân nghèo vào làm công nhân cao su cho chúng sẽ có cuộc sống ấm no, có tiền thu nhập hàng tháng nên hàng ngàn người dân từ các tỉnh đã lên tàu vào Nam với mong muốn cuộc sống đổi đời. Trong giai đoạn từ năm 1917 đến năm 1928, hơn 20.000 bà con từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Quảng Trị, Quảng Nam được đưa vào vùng đất Lộc Ninh, Bù Đốp để làm công nhân cao su của bọn thực dân. Bên cạnh việc mộ phu từ các tỉnh khác đến, thực dân Pháp còn thu hơn 8.000 đồng bào dân tộc tại chỗ.
Lời hứa đảm bảo cho bà con vào làm công nhân cao su được cuộc sống ấm no, đủ đầy của thực dân Pháp không được thực hiện như cam kết, thay vào đó là áp bức, bóc lột đến tận cùng. Công nhân cao su dưới sự cai trị một cổ hai tròng, không được trả tiền làm thêm giờ, bị đánh đập dã man khi sai phạm. Từ những tủi nhục đắng cay, công nhân cao su đã vùng lên đấu tranh dưới nhiều hình thức. Lớp công nhân cao su đầu tiên này đã có những đóng góp to lớn vào cuộc đấu tranh giải phóng Lộc Ninh.
Tháng 02/1944, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Lộc Ninh được thành lập tại Làng 2 (nay là Nông trường III của Công ty), do đồng chí Lê Đức Anh làm Bí thư Chi bộ. Ngày 24/8/1945, Chi bộ đã lãnh đạo phong trào cách mạng ở Lộc Ninh và các địa phương lân cận giành chính quyền ở Lộc Ninh sớm nhất trong tỉnh Thủ Dầu Một.
Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh hiện đang quản lý 12.322 ha cao su, có 10 đơn vị trực thuộc với 2.421 cán bộ, công nhân viên chức, người lao động
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, công nhân đồn điền cao su Lộc Ninh đã có nhiều đóng góp về sức người, sức của; nhất là nuôi dưỡng, che giấu cán bộ cách mạng, có những đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có thời kỳ công tác, hoạt động tại đây được công nhân cao su đùm bọc, che chở.
Ngày 07/4/1972, huyện Lộc Ninh được giải phóng. Từ một chiến trường trọng điểm, khốc liệt, Lộc Ninh đã trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam; đoạn cuối của tuyến đường Hồ Chí Minh, tuyến đường huyết mạch nối liền hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam; đồng thời nơi đặt trụ sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nơi đây đã chứng kiến giờ phút xúc động đón những con người ưu tú của Tổ quốc từ ngục tù Côn Đảo, Phú Quốc… chiến thắng trở về.
Sau khi Lộc Ninh được giải phóng, ngày 25/3/1973, Ban Cao su Nam Bộ tiếp nhận và quản lý khu vực trồng cao su thuộc Đồn điền CEXO của Pháp quản lý trước đây. Đến tháng 5/1973, vườn cây của Ban Cao su Nam Bộ được đưa vào khai thác.
Trong những năm 1973 - 1974, bom đạn địch tiếp tục bắn phá toàn bộ Lộc Ninh, trong đó có khu vực nhà máy và vườn cây của Công ty. Đây là thời kỳ đấu tranh ác liệt và thử thách cam go đối với công nhân cao su Lộc Ninh, địa bàn huyện Lộc Ninh trở thành chiến trường ưu tiên đánh phá của địch nhằm phá hủy vùng giải phóng. Mặc dù trong tình hình còn nhiều khó khăn, tiếp quản một cơ sở chế biến mủ cũ kĩ, bị bom đạn tàn phá, nhưng công nhân cao su Lộc Ninh vẫn dũng cảm bám trụ nhà máy, vườn cây, kiên trì sửa chữa, phục hồi lại hoạt động của nhà máy và khôi phục sản xuất ra những tấm mủ Crep đầu tiên cho chính quyền cách mạng. Giai đoạn này, công nhân phải tự lo tăng gia sản xuất, tự đào hầm, hào ngoài lô tránh bom đạn địch, vừa khai thác đổ đông mủ tại lô vừa khôi phục lại vườn cây còn đầy rẫy bom mìn. Trong 2 năm (1973 - 1974), cao su Lộc Ninh đã sản xuất được 4.562 tấn mủ thành phẩm và đã chuyển ra miền Bắc 2.200 tấn mủ mang nhãn hiệu “Cao su Lộc Ninh”, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 1978, Nông trường quốc doanh cao su Lộc Ninh được thành lập. Năm 1981, Nông trường quốc doanh cao su Lộc Ninh được đổi tên thành Công ty cao su Lộc Ninh.
Đến tháng 6/2010, Công ty cao su Lộc Ninh chuyển đổi mô hình quản lý thành Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh và đó cũng là mốc lịch sử đánh dấu quá trình phát triển và trưởng thành của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong suốt chặng đường nửa thế kỷ.
Đến nay, sau 50 năm xây dựng và phát triển, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh đã trở thành một doanh nghiệp lớn, hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, đời sống người lao động không ngừng cải thiện đã và đang góp phần đáng kể trong việc phát triển của ngành cao su Việt Nam và địa phương. Công ty là điểm sáng của tỉnh và ngành cao su: mạnh về kinh tế, vững về an ninh - quốc phòng, nghiêm minh về pháp luật; thực hiện tốt vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn. Công ty hiện đang quản lý 12.322 ha cao su, có 10 đơn vị trực thuộc với 2.421 cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, ngày đêm khai thác dòng nhựa trắng, làm giàu cho quê hương, đất nước và chính mỗi gia đình mình./.
(Còn tiếp...)