Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bình Phước
Theo báo cáo tại hội nghị, chỉ số đo lường sự hài lòng về sự phục vụ hành chính quy mô quốc gia (SIPAS 2015) do Bộ Nội vụ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh phối hợp triển khai từ năm 2015. Trong đó, 6 thủ tục hành chính (TTHC) được chọn để triển khai SIPAS 2015 gồm: Giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà ở, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh và chứng thực.
Phương pháp thu thập thông tin của SIPAS 2015 là điều tra xã hội học đối với người dân và các tổ chức đã giải quyết TTHC và nhận kết quả ở 6 lĩnh vực trên. Theo đó, đã có 15.120 đối tượng điều tra xã hội học (thuộc 108 xã của 3 thành phố trực thuộc trung ương và 7 tỉnh đại diện cho 7 vùng trong cả nước) được chọn để triển khai SIPAS 2015.
Qua điều tra, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của công chức đối với 6 TTHC từ 74,3 - 87,2%, trong đó thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tỷ lệ thấp nhất 74,3% và thủ tục cấp giấy đăng ký kết hôn có tỷ lệ cao nhất 87,2%. Sự hài lòng về tiếp cận dịch vụ đối với 6 thủ tục đạt từ 73,7 - 86,1% và sự hài lòng về TTHC đạt từ 73,5 - 88,7%.
Chỉ số hài lòng về toàn bộ quá trình giải quyết TTHC đối với 6 TTHC như sau: Đạt 83,4% đối với thủ tục cấp giấy chứng minh thư nhân dân, 74,4% đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 78,4% đối với thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở, 86% đối với thủ tục chứng thực, 87,5% đối với thủ tục cấp giấy khai sinh và cao nhất là 89,5% đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các bộ ngành trung ương và địa phương, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng và phê duyệt Đề án “Đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020”. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ và các bộ ngành liên quan phải triển khai đo lường theo định kỳ hàng tháng để kịp thời phát hiện những hạn chế, vướng mắc, từ đó đề ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn.
Bên cạnh đó, các bộ ngành và các địa phương cần nâng cao công tác tuyên truyền để người dân, tổ chức thấy được sự điều tra đo lường chỉ số hài lòng là việc làm cần thiết, giúp các cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được cảm nhận của người dân. Từ đó, các cơ quan hành chính nhà nước có phương pháp cải thiện chất lượng TTHC, đáp ứng nhu cầu người dân./.
Nhật Chiêu