Đồng chí Nguyễn Văn Lợi kết luận phiên thảo luận tại Tổ 3
Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) ra đời cách đây hơn 20 năm trong điều kiện, bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác với hiện nay. Nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP không được quy định trong Pháp lệnh mà quy định tại các luật khác và văn bản dưới luật, dẫn đến tình trạng khó theo dõi, thiếu thống nhất, gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng của BĐBP.
Trên cơ sở đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Phó Trưởng đoàn ĐBQH Đăng Nhập Hi88
cho rằng việc xây dựng và ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là cần thiết, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế hóa chức năng, nhiệm vụ của lực lượng nòng cốt trong bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đảm bảo tính thống nhất với Hiến pháp, các quy định của các luật có liên quan và các điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, Luật cũng đảm bảo tính thống nhất trong triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng tên gọi Luật Biên phòng Việt Nam là phù hợp, vì thể hiện tính toàn diện, tính nguyên tắc trong thực thi nhiệm vụ biên phòng, chính sách của Nhà nước về nhiệm vụ biên phòng trong tình hình mới.
Hiện nay có một số văn bản pháp luật điều chỉnh những nội dung liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia như: Luật Quốc phòng, Luật Biên giới quốc gia… Tuy nhiên, các văn bản luật trên chưa đề cập cụ thể, toàn diện về nhiệm vụ của biên phòng. Một số văn bản pháp luật điều chỉnh công tác phối hợp giữa các chủ thể trong thực hiện nhiệm vụ ở khu vực biên giới còn thiếu chặt chẽ, thiếu tính đồng bộ và hiệu quả chưa cao.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng chỉ rõ: Báo cáo tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP thì tên gọi của Luật phù hợp với nhiệm vụ và là cơ sở pháp lý trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, trong xây dựng các công trình biên giới cũng như đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, bố trí dân cư ở khu vực biên giới; thể chế hóa chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, mở rộng quan hệ hợp tác, tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại Nhân dân trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Điểu Huỳnh Sang thống nhất với quy định trong dự thảo luật, vì thể hiện đầy đủ nội hàm và nội dung đã xác định rõ về trách nhiệm thực thi nhiệm vụ biên phòng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương nơi có biên giới trong xây dựng quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, tạo điều kiện tốt nhất để lực lượng BĐBP thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Về quyền hạn của BĐBP, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung, từ ngữ để phù hợp với quy định tại Luật Hải quan năm 2014, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng hải quan và lực lượng BĐBP.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận
Liên quan đến quy định trách nhiệm của HĐND, UBND các cấp, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn, phù hợp với các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đồng thời quy định cơ chế HĐND tỉnh phân bổ nguồn lực cho BĐBP.
Đối với chính sách của Nhà nước về biên phòng, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị sửa khoản 3, Điều 3 trong dự thảo luật thành: “Sử dụng các biện pháp chính đáng, thích hợp, kiên quyết để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” để thể hiện rõ hơn về chính sách mềm dẻo và sự kiên quyết, ý chí quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta trong bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi đồng tình rất cao về sự cần thiết của việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam. Từ thực tiễn là Bình Phước có 260,433km đường biên giới, đồng chí Nguyễn Văn Lợi đề nghị trong Luật phải làm rõ quy hoạch các đồn biên phòng trên tuyến biên giới đất liền trên phạm vi cả nước, vì hiện nay khoảng cách giữa các đồn ở một số tỉnh còn dài, trong đó có Bình Phước. Trong đợt dịch Covid- 19, Bình Phước đã lập thêm các chốt tạm mới đảm bảo hiệu quả việc kiểm soát người qua lại biên giới, áp lực lên lực lượng BĐBP rất nhiều.
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi đề nghị phải dành nguồn lực để đầu tư cho BĐBP, vì lực lượng này làm nhiệm vụ ở đầu sóng ngọn gió rất gian khổ. Nguồn đầu tư cho biên phòng từ ngân sách quốc phòng phải phối hợp với ngân sách địa phương để đầu tư kịp thời, đảm bảo tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí nhấn mạnh phải có sự đầu tư công nghệ thông tin hiện đại cho các đồn biên phòng, nếu nguồn lực từ quốc phòng chưa đủ có thể phối hợp với các tỉnh có đường biên giới và các tỉnh tuyến sau sẽ đầu tư được.
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi cho biết: Thời gian qua, Bình Phước đã triển khai các cụm dân cư nơi biên giới rất thành công, việc xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng cũng rất thuận lợi và hiệu quả./.