Theo đó, giá lúa gạo tại thị trường trong nước giảm theo xu hướng chung của thị trường thế giới, do thiếu vắng nhu cầu mua mới trong khi nguồn cung lại đang tăng do các nhà cung cấp lớn bước vào vụ thu hoạch.
Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động thu hoạch vụ hè thu đã bắt đầu, giá lúa tươi IR 504 tại đây đã giảm 200 đồng/kg so với cuối tháng 6/2018, đạt 5.100 đồng/kg; giá gạo nguyên liệu IR 504, gạo thành phẩm IR 504 và gạo nguyên liệu OM 5451 giảm từ 800 - 900 đồng/kg, dao động từ 7.100 - 8.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm chào bán của Việt Nam cũng xuống mức 425 - 430 USD/tấn so với mức giá 450 - 455 USD/tấn của cuối tháng 6/2018. Mặc dù giảm nhưng giá gạo của Việt Nam vẫn đang cao hơn 35 - 40 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan và Ấn Độ. Dự báo giá gạo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới khi hoạt động thu hoạch lúa hè thu được đẩy mạnh.
Trong 15 ngày đầu tháng 7/2018, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 1,4% (tương ứng 500 đồng/kg) so với cuối tháng 6/2018, dao động ở mức 35.400 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá cà phê tiếp tục sụt giảm chủ yếu là do Indonesia và Braxin đang bước vào vụ thu hoạch mới với nguồn cung dồi dào, còn Việt Nam cũng được dự báo sẽ đạt sản lượng cao trong vụ thu hoạch tới.
Một yếu tố khác khiến giá cà phê giảm là đồng Real của Braxin giảm giá so với đồng USD, kéo theo giá cà phê xuất khẩu của nước này giảm khi tính bằng đồng USD. Đồng Real đã giảm 15% trong quý II/2018 và từ cuối năm 2016 đến nay đồng Real mất giá 17% so với USD. Sự giảm giá của đồng Real theo xu hướng mất giá chung của đồng tiền của các quốc gia mới nổi so với USD khi Mỹ tăng lãi suất. Với những yếu tố trên, giá cà phê khó có thể phục hồi trở lại trong ngắn hạn.
Giá hạt tiêu tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên trong 15 ngày đầu tháng 7/2018 tiếp tục giảm 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 6/2018, dao động trong khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg. Giá tiêu giảm do nguồn cung dồi dào và thị trường xuất khẩu chưa có tín hiệu khởi sắc. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2018, giá tiêu trong xu hướng giảm do nguồn cung vượt cầu, giảm 16.000 - 17.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2017.
Về thủy sản, sau khi đạt mức cao kỷ lục, giá cá tra thời gian gần đây giảm nhẹ. Tại Đồng Tháp, trong 15 ngày đầu tháng 7/2018, giá cá tra thịt trắng loại 1 giảm 500 đồng/kg, xuống còn 32.000 đồng/kg. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá tra đang trên đà giảm nhưng không đáng lo vì mức giá trên 26.000 đồng/kg vẫn tốt với người nuôi.
Ngành nuôi cá tra không còn có tình trạng tự phát mà đã có sự tính toán trước khi đầu tư. Do đó, từ nay đến cuối năm, việc nuôi cá tra vẫn ổn định, giá khó quay trở lại mức cao như trước nhưng vẫn giữ ở mức tốt, không lo ngại chuyện cung vượt cầu, giá bán dưới giá thành như đã xảy ra trước đây. Ở chiều ngược lại, giá tôm tiếp tục tăng trở lại, với mức tăng 20.000 đồng/kg đối với tôm càng xanh 100 con/kg tại Đồng Tháp./.