Ảnh minh họa.
Theo quyết định này, sẽ có 57 trạm dừng nghỉ được xây dựng mới dọc tuyến đường Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, với tổng diện tích 326 ha và tổng kinh phí 5.790 tỷ đồng.
Trong số những trạm nằm trong quy hoạch, thì các trạm Chơn Thành, Đồng Xoài (Bình Phước), Đất Mũi (Cà Mau), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Túy Loan (Đà Nẵng)… có quy mô lớn nhất. Mỗi trạm có diện tích 10 ha, kinh phí xây dựng khoảng 160 tỷ đồng/trạm.
Việc quy hoạch các trạm sẽ gắn với địa bàn các tỉnh, với khoảng cách giữa các trạm 30 – 50 km. Việc đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ dựa trên nguyên tắc xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp góp vốn đầu tư. UBND các tỉnh cho thuê đất theo mức giá đất nông nghiệp để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng.
Cũng theo Bộ GTVT, các khu vực có mật độ giao thông cao và nằm xa các khu đô thị lớn sẽ được ưu tiên xây trạm trước từ nay đến năm 2020, số còn lại được tiến hành trong 10 năm tiếp đó. Để giảm áp lực về vốn, Bộ GTVT cho phép các trạm được đầu tư ở 2 giai đoạn. Các trạm dự kiến có trạm xăng dầu, nhà hàng ăn uống, nhà nghỉ cho nhà xe…
Nhật Phong