Ảnh minh họa.
Theo thông báo của Bộ, từ đầu năm 2013 đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xảy ra nhỏ lẻ, rải rác ở các tỉnh, thành phố với tổng số gia cầm mắc bệnh là 123.363 con; tổng gia cầm bị chết, tiêu hủy là 141.687 con. Dịch cúm gia cầm còn xảy ra trên chim trĩ và chim cút thuộc tỉnh Tiền Giang, chim yến thuộc tỉnh Ninh Thuận. Kết quả giám sát lưu hành vi rút cúm trên gia cầm cho thấy, tỷ lệ phát hiện mẫu dương tính với cúm A là 22,91%, H5 là 7,44%, H5N1 là 5,68%.
Đặc biệt, từ đầu năm 2013 đến nay, dịch cúm A/H7N9 trên người đã xảy ra ở 12 tỉnh tại Trung Quốc, làm 140 người mắc bệnh và đã gây tử vong 47 người. Tuy dịch cúm A/H7N9 và H10N8 chưa xuất hiện tại Việt Nam, tuy nhiên nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta trong thời gian tới là rất cao, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thị gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Để tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn lây nhiễm bệnh cúm gia cầm qua biên giới, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương trong cả nước kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời những nơi có dịch bệnh xảy ra; lập chốt kiểm dịch ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài ổ dịch và gia cầm không rõ nguồn gốc.
Đối với các địa phương biên giới, tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật; lấy mẫu để giám sát sự lưu hành của vi rút cúm A/H5N1, H7N9, H10N8 đối với gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, nhập khẩu từ các nước có dịch. Các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao./.
Nhật Phong