1. Bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại (NHTM)
Điều kiện để doanh nghiệp (DN) được bảo lãnh vay vốn cụ thể như sau:
- Dự án đầu tư có văn bản chấp thuận cho vay của NHTM và được Ngân hàng Phát triển (NHPT) thẩm định và xác định là dự án có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay;
- Có vốn chủ sở hữu tham gia tối thiểu 15% tổng mức đầu tư của dự án và được đầu tư toàn bộ vào tài sản cố định, nguồn vốn này phải được phản ánh trên báo cáo tài chính tháng hoặc quý gần nhất, với thời điểm nộp hồ sơ đề nghị bảo lãnh và cam kết sử dụng vào dự án;
- Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và NHPT
Về phạm vi bảo lãnh vay vốn: NHPT bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ khoản vay của DN tại NHTM, nhưng tối đa không vượt quá 85% tổng mức vốn đầu tư của dự án, không bao gồm vốn lưu động.
Về thời hạn, lãi suất nhận nợ bắt buộc: Trường hợp NHPT trả nợ thay, DN phải nhận nợ bắt buộc với NHPT, lãi suất nhận nợ bắt buộc bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn áp dụng đối với tổ chức kinh tế của NHTM nhận bảo lãnh đối với khoản cho vay cùng kỳ hạn tại thời điểm nhận nợ bắt buộc.
Các nội dung trên được quy định tại Thông tư 47/2014/TT-BTC và có hiệu lực từ ngày 06/6/2014.
2. Quy định về việc thi, quản lý, cấp và thu hồi thẻ thẩm định viên về giá
Từ ngày 01/6/2014, theo Thông tư 46/2014/TT-BTC, việc tổ chức thi cấp thẻ thẩm định viên về giá sẽ có một số thay đổi như sau:
1. Đối tượng dự thi: ngoài các đối tượng theo như quy định cũ trong Quyết định 55/2008/QĐ-BTC, năm nay các đối tượng tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật cũng được thi.
2. Tổng số môn thi là 6 (5 môn cơ bản và môn tiếng Anh), bỏ môn Tin học; môn Nguyên lý hình thành giá và Nguyên lý căn bản Thẩm định giá nhập lại thành 1 môn (thời lượng thi môn này là 180 phút);
3. Số điểm đạt là 5 điểm cho 1 môn thi hay 30 điểm cho 6 môn thi;
4. Số kỳ thi (bảo lưu điểm) chỉ là 2 kỳ thi liên tục (trước đây là 3 kỳ);
5. Về môn tiếng Anh, tất cả ứng viên đăng ký thi lần đầu cũng đều phải thi môn này (không miễn, giảm cho 1 số đối tượng như quy định cũ);
3. Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt
Theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/6 thì giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia ra thành 06 bậc thang và tăng dần theo thứ tự bậc thang.
Tỷ lệ % giá bán lẻ điện sinh hoạt so với mức giá bán lẻ điện bình quân được quy định cụ thể như sau:
- Bậc 1: Cho kWh từ 0 – 50: 92%
- Bậc 2: Cho kWh từ 51 – 100: 95%
- Bậc 3: Cho kWh từ 101 – 200: 110%
- Bậc 4: Cho kWh từ 201 – 300: 138%
- Bậc 5: Cho kWh từ 301 – 400: 154%
- Bậc 6: Cho kWh từ 400 trở lên: 159%
Quyết định 28 cũng quy định, hộ nghèo sẽ được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 0 - 50 kWh.
Đồng thời, hộ chính sách xã hội (không thuộc diện hộ nghèo) và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 kWh cũng được hỗ trợ tiền như các hộ nghèo.
4. NHNN quy định về dịch chứng từ kế toán ghi bằng tiếng nước ngoài
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư 38/2013/TT-NHNN về dịch chứng từ kế toán ghi bằng tiếng nước ngoài khi sử dụng để ghi sổ kế toán, cách viết chữ số trên chứng từ kế toán và lưu trữ chứng từ điện tử tại NHNN.
Theo Thông tư, các chứng từ ghi bằng tiếng nước ngoài phát sinh nhiều lần và có nội dung nghiệp vụ KT-TC giống nhau phải dịch sang tiếng Việt đối với bản chứng từ đầu hoặc mẫu chứng từ (nếu có).
Từ bản sau trở đi thì chỉ bắt buộc dịch sang tiếng Việt các nội dung chủ yếu của chứng từ theo quy định của Luật Kế toán về nội dung chứng từ.
Về cách viết chữ số trên chứng từ kế toán, Thông tư quy định: Sở Giao dịch được sử dụng cách viết chữ số theo thông lệ quốc tế trên chứng từ thanh toán quốc tế.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cụ thể về việc lưu trữ, hủy và tiêu hủy chứng từ điện tử tại Ngân hàng Nhà nước; trách nhiệm cụ thể của các đơn vị liên quan.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2014.
5. Chuyển tuyến khám chữa bệnh
Từ ngày 01/6/2014, việc chuyển tuyến khám, chữa bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên, từ tuyến trên về tuyến dưới phù hợp hoặc giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định chặt chẽ tại Thông tư 14/2014/TT-BYT.
Trường hợp người bệnh không đáp ứng điều kiện chuyển tuyến nhưng người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh vẫn yêu cầu chuyển tuyến thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giải quyết cho người bệnh chuyển tuyến.
Ngoài ra, Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể về thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh.
6. Bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi
Theo quyết định 1079/QĐ-BTC năm 2014 về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thì biện pháp bình ổn giá ở đây là quy định giá tối đa – giá trần của mặt hàng sữa trong khâu bán buôn, áp dụng đối với 25 mặt hàng sữa được nêu trong phụ lục của quyết định này.
Trên cơ sở mức giá tối đa của 25 sản phẩm này, tổ chức, cá nhân định giá của sản phẩm sữa và so sánh đó với sản phẩm sữa đã công bố giá tối đa, xác định giá cho sản phẩm rồi gửi cho cơ quan có thẩm quyền quản lý giá.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/6/2014, thực hiện trong khâu bán buôn chậm nhất từ 10 ngày sau khi quyết định có hiệu lực.
TT.TH-CB (tổng hợp)