6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 18 doanh nghiệp tuyên bố giải thể, phá sản.
Đánh giá tại cuộc họp cho thấy, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn; nhiều doanh nghiệp thiếu vốn cơ cấu sản xuất, nợ thuế, thị trường thu hẹp... do ảnh hưởng của tác động suy thoái nền kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 420 doanh nghiệp tự ý ngừng hoạt động; 18 doanh nghiệp tuyên bố giải thể, phá sản; 7 doanh nghiệp thông báo chấm dứt hoạt động và 14 doanh nghiệp ngừng sản xuất, kinh doanh.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước. Tính đến ngày 31/5, dư nợ tín dụng đạt 18.946 tỷ đồng, tăng 3.000 tỷ đồng so đầu năm, tỷ lệ tăng 18,82%; nợ xấu chiếm tỷ lệ 1,99% trên tổng dư nợ toàn địa bàn.
Các tổ chức tín dụng đã quan tâm đầu tư vào các ngành điều, tiêu, cà phê, cao su – là những ngành có ưu thế tại địa phương và cũng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế tài chính. Chi cục thuế các huyện, thị xã đã tăng cường xuống cơ sở nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp; thực hiện gia hạn, giãn thu một số khoản nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giải quyết nợ xấu… cho doanh nghiệp.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Phạm Văn Tòng đã yêu cầu Thường trực Ban chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh phối hợp Cục thuế tỉnh rà soát lại tình hình nợ đọng thuế của các doanh nghiệp, phân loại từng doanh nghiệp để có hướng hỗ trợ cụ thể, đúng đối tượng. Đồng thời, Phó Chủ tịch đề nghị Ngân hàng nhà nước tỉnh chỉ đạo các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh có biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại nợ vay để tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh./.
Lê Thanh