Cụ thể như sau:
I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Trong tháng 8/2018, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 16 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 09 Nghị định của Chính phủ và 07 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 103/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ;
2. Nghị định số 104/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài;
3. Nghị định số 105/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam;
4. Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo;
5. Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
6. Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ nông nghiệp hữu cơ;
7. Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội;
8. Nghị định số 111/2018/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương;
9. Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 31/2018/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng; tài chính; ngân hàng;
2. Quyết định số 32/2018/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ;
3. Quyết định số 33/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ;
4. Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công thương;
5. Quyết định số 35/2018/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải;
6. Quyết định số 36/2018/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục ký kết, thực hiện thỏa thuận nhân danh Chính phủ và kiến nghị Chủ tịch nước quyết định ký kết thỏa thuận nhân danh Nhà nước không phải là điều ước quốc tế;
7. Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 103/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 10 năm 2018.
Bãi bỏ Quyết định số 42/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi đối với thành phố Cần Thơ.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, như: Luật quản lý nợ công, Luật ngân sách Nhà nước, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật đầu tư công,…
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 11 điều quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ, cụ thể: (1) Nguyên tắc xây dựng cơ chế đặc thù; (2) Huy động vốn đầu tư và nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương; (3) Huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; (4) Đặc thù về ngân sách; (5) Về hỗ trợ lãi suất; (6) Về bán nhà ở xã hội; (7) Về quỹ dự trữ tài chính; (8) Về thẩmquyền chấp thuận đầu tư đối với các dự án đầu tư khu đô thị mới; (9) Tổ chức thực hiện.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách thành phố; (2) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố.
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục Danh mục dự án ưu tiên đầu tư thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.
2. Nghị định số 104/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 8 năm 2018.
Việc lập dự toán kinh phí hoạt động trong lĩnh vực thương mại tại cơ quan đại diện trong dự toán chi ngân sách nhà nước của Bộ Công thương áp dụng từ năm ngân sách 2019.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với Luậtcơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 18 tháng 6 năm 2009 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 21 tháng 11 năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 18 điều quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cụ thể: (1) lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động trong lĩnh vực thương mại của Bộ Công thương tại cơ quan đại diện; (2) Quản lý các dự án đầu tư của cơ quan đại diện; (3) Quy định về trường hợp đặc biệt bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền; (4) Tổ chức thực hiện.
Nghị định này áp dụng với các cơ quan đại diện, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Nghị định số 105/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 8 năm 2018.
Nghị định này thay thế Nghị định số 212/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 212/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, cụ thể: (1) Quy định chung về: Tên và trụ sở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Hình thức pháp lý, tư cách pháp nhân và chức năng, nhiệm vụ của TKV; Mục tiêu hoạt động và ngành, nghề kinh doanh của TKV; Vốn điều lệ của TKV;Chủ sở hữu TKV; Đại diện theo pháp luật của TKV; Quản lý nhà nước đối với TKV; Tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong TKV; (2) Quyền và nghĩa vụ của TKV; (3) Quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước; (4) Phân công thực hiện các quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước; (5) Ban kiểm soát, kiểm soát viên; (6) Tổ chức quản lý TKV; (7) Quản lý vốn của TKV đầu tư ở doanh nghiệp khác; (8) Quan hệ của TKV với các đơn vị trực thuộc và các daonh nghiệp tham gia tập đoàn các công ty TKV; (9) Cơ chế hoạt động tài chính của TKV; (10) Tổ chức lại, giải thể, phá sản, đa dạng hóa sở hữu TKV; (11) Sổ sách và hồ sơ của TKV; (11) Giải quyết tranh chấp nội bộ và sửa đổi, bổ sung điều lệ tổ chức và hoạt động của TKV; (12) Điều khoản thi hành.
Ban hành kèm theo Nghị định này 02 Phụ lục, gồm: (1) Danh sách các đơn vị trực thuộc công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoán sản Việt Nam; (2) Danh sách đơn vị sự nghiệp của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
4. Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2018.
Bãi bỏ Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với Luật quản lý ngoại thương, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018; khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 27 điều quy định về kinh doanh xuất khẩu thóc, gạo các loại, cụ thể: (1) Quyền kinh doanh xuất khẩu gạo; (2) Điều kiện kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; (3) Điều hành xuất khẩu gạo; (4) Trách nhiệm của cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan; (5) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với thương nhân theo quy định của Luật thương mại; các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong quản lý, điều hành xuất khẩu gạo và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục gồm: (1) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; (2) Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; (3) Đơn đề nghị cấp lại/điều chỉnh nội dung giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; (4) Báo cáo hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.
5. Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 10 năm 2018.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với Luậthỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018; khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, cụ thể: (1) Quy định chung về: Nguyên tắc áp dụng giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp; Ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp; (2) Quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp; (3) Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; (4) Đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử; (5) Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; (6) Trình tự, thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
6. Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ nông nghiệp hữu cơ
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao cho Chính phủ tại Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và tạo cơ sở pháp lý và có chính sách đủ mạnh cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, góp phần thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 chương, 20 điều quy định về: (1) Sản xuất nông nghiệp hữu cơ; (2) Chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; (3) Công bố tiêu chuẩn áp dụng, ghi nhãn, lo gô, truy suất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ; (4) Kiểm tra, thử nghiệm chất lượng sản phẩm hữu cơ; (5) Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; (6) Tổ chức thực hiện.
Nghị định này áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình hoặc nhóm hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên lãnh thổ Việt Nam.
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục gồm: (1) Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ; (2) Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ.
7. Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.
Các quy định về tổ chức lễ hội tại mục 3, Chương 2 Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ban hành kèm theo Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ; Chương V Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với Luậttín ngưỡng, tôn giáo, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 24 điều quy định về quản lý và tổ chức lễ hội trên lãnh thổ Việt Nam, cụ thể: (1) Quy định chung về: Chính sách của Nhà nước về lễ hội; nguyên tắc tổ chức lễ hội; quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của Ban Tổ chức lễ hội; tạm ngừng tổ chức lễ hội; (2) Đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội; (3) Trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội; (4) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân là người Việt Nam; tổ chức, cá nhân là người nước ngoài tham gia hoạt động lễ hội trên lãnh thổ Việt Nam.
8. Nghị định số 111/2018/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.
Bãi bỏ những nội dung quy định về tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của các Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Điều 17 Chương 4 Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại, đón tiếp khách nước ngoài.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại, đón tiếp khách nước ngoài.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 18 điều quy định về: (1) Nguyên tắc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống; (2) Công nhận ngày truyền thống; (3) Tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống; điều kiện, yêu cầu tổ chức ngày hưởng ứng; (4) Điều khoản thi hành.
Theo Nghị định, các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; chỉ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền; chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn. Trường hợp Bộ, ngành, cấp tỉnh đồng thời có ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống thì chỉ được lựa chọn một trong các ngày trên để tổ chức kỷ niệm; không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; (2)Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (3) Tổ chức, cá nhân có liên quan.
9. Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.
Việc xây dựng kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong dự toán ngân sách nhà nước của các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương được áp dụng từ năm ngân sách 2019.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, cụ thể: (1) Quy định chung về: Quản lý và sử dụng số biên chế đã thực hiện tinh giảm; các trường hợp tinh giản biên chế; (2) Chính sách tinh giản biên chế; (3) Trình tự, thời hạn giải quyết tinh giản biên chế; (4) Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện tinh giản biên chế; (5) Khiếu nại, tố cáo và xử lý trách nhiệm.
Nghị định bổ sung thêm: (1) Đối tượng tinh giản biên chế là: Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý; (2) Trường hợp tinh giản biên chế: Những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm đ, e, g khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.
Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi một số đối tượng tinh giản biên chế đã quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP. Trong đó, có trường hợp những người đã là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử tham gia quản lý hoặc đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước mà dôi dư do cơ cấu lại doanh nghiệp đó.
10. Quyết định số 31/2018/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng; tài chính; ngân hàng
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 9 năm 2018.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng; tài chính; ngân hàng đảm bảo phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 02 điều bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng; tài chính; ngân hàng, bao gồm: (1) Quyết định số 135/2000/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân; (2) Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân là người dân tộc ít người thuộc Quân khu 7, Quân khu 9, tham gia kháng chiến chống Mỹ, về địa phương trước ngày 10 tháng 01 năm 1982; (3)Quyết định số 230/2005/QĐ-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam; (4) Quyết định số 117/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế đối với các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội; (5) Quyết định số 39/2009/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm và lực lượng dân quân tự vệ trong công tác bảo vệ rừng.
11. Quyết định số 32/2018/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 9 năm 2018.
Quyết định này thay thế Quyết định số 06/2015/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, như: Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ; Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 05 điều quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ.
Theo Quyết định, Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan tương đương Tổng cục trực thuộc Bộ Nội vụ, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước; thực hiện các dịch vụ công thuộc lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật; có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, có trụ sở làm việc tại thành phố Hà Nội.
Cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ gồm 14 đơn vị trực thuộc, trong đó có 10 đơn vị là các đơn vị hành chính giúp Trưởng ban thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và 04 đơn vị sự nghiệp.
12. Quyết định số 33/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 9 năm 2018.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: (1) Quyết định số 185/2002/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các ủy viên kiêm nhiệm ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em; (2) Quyết định số 09/2006/QĐ-TTgngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; (3) Quyết định số 240/2006/QĐ-TTgngày 25 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện chế độ bảo hiểm y tế tự nguyện đối với cán bộ dân số, gia đình và trẻ em ở xã, phường, thị trấn; (4) Quyết định số 151/2007/QĐ-TTgngày 12 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về việc nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký tại Việt Nam; (5) Quyết định số 42/2013/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về quản lý thuốc dùng cho người theo đường xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch và sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về việc nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký tại Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ; (6) Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg ngày 15 tháng 4 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; (7) Chỉ thị số 26/2004/CT-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết; (8) Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm H5N1 và đại dịch cúm ở người; (9) Chỉ thị số 29/2006/CT-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người; (10) Chỉ thị số 13/2007/CT-TTgngày 06 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 47-NQ-TW; (11) Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
13. Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công thương
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 12 tháng 10 năm 2018.
Quyết định này thay thế Quyết định số 19/2009/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công thương.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, như: Pháp lệnh quản lý thị trường; Nghị định số123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Côngthương.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 06 điều quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công thương.
Theo Quyết định, Tổng cục Quản lý thị trường là tổ chức trực thuộc Bộ Công thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật; có tư cách pháp nhân, con dấu có hình Quốc huy, tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và trụ sở tại thành phố Hà Nội.
Cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường như sau:
- Các tổ chức Quản lý thị trường ở trung ương gồm: (1) Văn phòng Tổng cục; (2) Vụ Tổ chức cán bộ; (3) Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính; (4) Vụ Chính sách - Pháp chế; (5) Vụ Thanh tra - Kiểmtra; (6) Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường.
- Các tổ chức Quản lý thị trường ở địa phương gồm: (1) Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường gồm: Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục Quản lý thị trường liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (2) Đội Quản lý thị trường cấp huyện trực thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh gồm: Đội Quản lý thị trường huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Đội Quản lý thị trường liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Đội Quản lý thị trường chuyên ngành; Đội Quản lý thị trường cơ động; (3) Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh và Đội Quản lý thị trường cấp huyện.
14. Quyết định số 35/2018/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2018.
Quyết định này thay thế Quyết định số 60/2013/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, như: Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 05 điều quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Theo Quyết định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về giao thông vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật; có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy, có tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và trụ sở tại thành phố Hà Nội.
Cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam gồm 20 đơn vị, trong đó có 14 đơn vị là đơn vị giúp Tổng Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 06 đơn vị sự nghiệp.
15. Quyết định số 36/2018/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục ký kết, thực hiện thỏa thuận nhân danh Chính phủ và kiến nghị Chủ tịch nước quyết định ký kết thỏa thuận nhân danh Nhà nước không phải là điều ước quốc tế
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 10 năm 2018.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp vớiNghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ và chủ trương, chính sách của Chính phủ về đề nghị phân công Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ký kết các văn bản, thỏa thuận hợp tác nhân danh Chính phủ và kiến nghị Chủ tịch nước quyết định ký kết các văn bản, thỏa thuận không phải điều ước quốc tế theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2018.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 chương, 12 điều quy định về: (1) Nguyên tắc ký, thông qua và thực hiện thỏa thuận; (2) Thủ tục ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, tạm đình chỉ thực hiện, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi thỏa thuận nhân danh Chính phủ; (3) Kiến nghị Chủ tịch nước quyết định việc ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, tạm đình chỉ thực hiện, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi thỏa thuận nhân danh Nhà nước không phải là Điều ước quốc tế; (4) Quy định việc tổ chức thực hiện các thỏa thuận này.
Quyết định này không áp dụng đối với thỏa thuận vay nợ, viện trợ không hoàn lại, viện trợ phi chính phủ nước ngoài với một hoặc nhiều bên nước ngoài.
16. Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.
Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; Quyết định số20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 05 chương, 36 điều quy định về: (1) Nhiệm vụ của giáo sư và phó giáo sư; (2) Tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư; (3) Xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học; (4) Xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng Giáo sư nhà nước; (5) Bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học; (6) Xét hủy bỏ công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư; (7) Miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; (8) Tổ chức thực hiện.
Quyết định này áp dụng đối với giảng viên đang giảng dạy ở các đại học quốc gia, đại học, trường đại học, học viện, viện nghiên cứu được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, cơ sở thực hành của cơ sở giáo dục đại học nhóm ngành sức khỏe của Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ban hành kèm theo Quyết định này 02 Phụ lục, gồm: (1) Cách tính điểm các công trình khoa học quy đổi; (2) Danh mục các biểu mẫu, gồm: Bản đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh, Bản nhận xét kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học đối với giảng viên, Báo cáo khoa học tổng quan, Bìa Hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh, Phiếu thẩm định hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng giáo sư cơ sở, Phiếu thẩm định hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành, Phiếu nhận xét của thành viên Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành, Bản trích ngang các tiêu chuẩn tại Hội đồng giáo sư cơ sở, Bản trích ngang các tiêu chuẩn tại Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành, Biên bản họp bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở,Biên bản kiểm phiếu, Biên bản họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư,Biên bản họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (lần 2), Báo cáo kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, Bản đăng ký xét bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, Biên bản họp xét bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư./.