(CTTĐTBP) - Các địa phương chuẩn bị tốt nhất cho học sinh về cả kiến thức, kỹ năng, tâm lý để các em có thể làm bài thi đạt hiệu quả cao nhất. Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra sáng nay 8/6.
Hội nghị do Bộ GD&ĐT tổ chức bằng hình thức trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành trên cả nước.
Dự tại điểm cầu của Bộ GD&ĐT còn có các Thứ trưởng: Nguyễn Hữu Độ, Trưởng ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi; Phạm Ngọc Thưởng; Hoàng Minh Sơn. Đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Y tế; các vụ, cục, đơn vụ thuộc Bộ GD&ĐT.
Tại điểm cầu Bình Phước, Giám đốc Sở GD&ĐT Lý Thanh Tâm chủ trì; đại diện lãnh đạo các sở, ngành và 11 huyện, thị xã, thành phố cùng dự.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương trong năm học vừa qua. Dù tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, nhưng với sự cố gắng của các địa phương, 63 tỉnh, thành đã kết thúc năm học như dự kiến, đây là tiền đề quan trọng để ngành giáo dục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đồng loạt trên cả nước vào ngày 7 và 8-7 sắp tới.
Liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Về cơ bản ổn định như năm 2021, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, phụ trách các vấn đề chung về chính sách, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức; chịu trách nhiệm về đề thi; tổ chức công tác thanh, kiểm tra kỳ thi… UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi của địa phương. Trong những năm qua, các địa phương đã vào cuộc tổ chức kỳ thi với tinh thần trách nhiệm rất cao.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn các địa phương lường trước mọi vấn đề, đưa ra các phương án dự phòng để ứng phó với tình huống có thể xảy ra, như thiên tai, dịch bệnh… và các vấn đề khác; lường trước các phát sinh bất thường, đặc biệt trong quá trình tổ chức thi; bảo đảm kỳ thi diễn ra đúng quy định…
Chỉ còn 4 tuần nữa, kỳ thi sẽ bắt đầu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo các trường chuẩn bị tốt nhất cho học sinh cả về kiến thức và tâm lý để các em có thể làm bài thi đạt hiệu quả cao. Các sở lên kế hoạch và tham mưu các địa phương có phương án hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa về đi lại, ăn ở để các em có điều kiện tốt nhất tham dự kỳ thi…
Báo cáo tại hội nghị, Bộ GD&ĐT cho biết, đến thời điểm này, cả nước đã có trên 1 triệu phiếu đăng ký dự thi trên hệ thống quản lý kỳ thi. Trước đó, bộ cũng đã triển khai thực hiện công tác đề thi, phần mềm tổ chức thi theo quy định; việc tổ chức tập huấn để quán triệt quy chế, nghiệp vụ tổ chức, công tác đăng ký dự thi trực tuyến và nghiệp vụ sử dụng phần mềm quản lý kỳ thi cũng như chấm các môn thi trắc nghiệm cũng đã được triển khai rộng rãi đến các địa phương.
Về xây dựng phương án ứng phó với tác động của dịch Covid-19, bộ cũng đã ban hành công văn hướng dẫn cụ thể cho các địa phương để tổ chức kỳ thi cho học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, đối với thí sinh thuộc diện F0, có giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Thí sinh thuộc diện F0 nếu có nguyện vọng tham dự kỳ thi phải nộp đơn xin dự thi, cam kết tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, được phụ huynh hoặc người giám hộ ký xác nhận.
Đối với Bình Phước, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 10.766 thí sinh đăng ký dự thi ở 12 môn thi. Trong đó, có 332 thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp; 294 thí sinh dự thi để xét tuyển đại học, cao đẳng; 10.140 thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Đến thời điểm này, Bình Phước cũng đã bố trí 28 điểm thi chính thức đặt tại các trường THPT, THCS&THPT và 12 điểm thi dự phòng. Đối với phòng thi sẽ có 481 phòng thi chính thức, 97 phòng thi dự phòng. Về lực lượng, sẽ có 1.673 người làm việc tại các điểm thi chính thức. Trong đó, 28 trưởng điểm thi, 72 phó trưởng điểm thi, 162 thư ký, 910 cán bộ coi thi, 223 cán bộ giám sát và 278 cán bộ công an, bộ đội, y tế, nhân viên bảo vệ, phục vụ…
Tại hội nghị, một số địa phương đề nghị Bộ GD&ĐT ra đề thi phù hợp với thực tiễn, vì năm học vừa qua phần lớn thời gian các em phải học online, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng học tập.
Hiện nay, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, việc đeo khẩu trang tiềm ẩn nguy cơ gian lận trong quá trình thi, các địa phương mong nhận được hướng dẫn cụ thể từ phía bộ…
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Trưởng ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi nhấn mạnh: Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kết quả rèn luyện của học sinh suốt 12 năm học. Kết quả này là cơ sở để xét tốt nghiệp cũng như xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Do đó, các địa phương cần quan tâm và dành thời gian chỉ đạo để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch riêng, cụ thể để công tác phối hợp được thống nhất. Đối với các địa phương, cần chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, đặc biệt là cần chú ý đến địa điểm sao y đề thi sao cho tuyệt đối bảo mật. Đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra, quan điểm của bộ là tăng kỷ cương, giảm vi phạm trong kỳ thi sắp tới./.