(CTTĐTBP) - Chiều 13/6, đoàn công tác của Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) do bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Thời gian qua, Bình Phước đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025. Trong đó, nổi bật là công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, xã hội, cha mẹ và trẻ em; công tác phòng ngừa bạo lực học đường, hỗ trợ can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục; công tác cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; công tác tiếp nhận khám, chữa bệnh, phòng ngừa và hỗ trợ, can thiệp của ngành y tế đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục…
Bên cạnh đó, Bình Phước cũng làm tốt các nội dung của Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, Bình Phước chưa phát hiện tình trạng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 284.955 trẻ em, trong đó có 149.154 trẻ em nam, 135.80 trẻ em nữ. Từ năm 2020 đến tháng 5/2024, ở Bình Phước xảy ra 202 vụ, 226 đối tượng với 209 trẻ em bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm 83,12%. Phương thức, thủ đoạn của tội phạm xâm hại trẻ em vẫn là lợi dụng vào mối quan hệ bạn bè, người thân, hàng xóm, đối tượng tiếp cận, dụ dỗ... để thực hiện hành vi xâm hại tình dục. Dự báo tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về xâm hại trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, cần sự vào cuộc, quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành, sự chung tay của cả hệ thống chính trị để công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em ngày càng được thực hiện tốt hơn./.