(CTTTĐTBP) - Tiếp nối truyền thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, tiếp nối truyền thống hào hùng của lịch sử, Bình Phước đã bứt phá thần kỳ từ năm tái lập tỉnh 1997 đến nay. Vùng đất hoang sơ, bộn bề, chồng chất khó khăn hôm nào, giờ đã trở nên trù phú trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đặt mục tiêu 5 năm tới trở thành một tỉnh phát triển. Trong chặng đường phát triển ấy, Bình Phước đã vượt qua bao chông gai thử thách. Và hôm nay, một lần nữa, Bình Phước lại đứng trước một thử thách mới, một thử thách chưa từng có trong lịch sử, mang tên Covid-19. Một thử thách thách thức sự phát triển của Bình Phước trong một thời gian dài sắp tới.
Dịch Covid-19 được dự báo còn diễn biến phức tạp và khó lường. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Bình Phước đang ở giai đoạn quyết liệt nhất. Vì thế, ngay lúc này, cần hơn cả là sự tin tưởng, đồng lòng, chung sức của toàn dân. Đó là trách nhiệm chung của tất cả các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể, nhưng cũng là trách nhiệm công dân của mỗi người cùng góp sức đẩy lùi đại dịch.
Kiên cường, đoàn kết
Ngày 30/6/2021, Bình Phước ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Và sau chưa tới 1 tuần, tính đến cuối ngày 5/7/2021, trên địa bàn tỉnh đã có tổng cộng 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Với tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đó là điều đã được dự báo trước. Bình Phước cũng như tất cả các địa phương khác trong cả nước, cho dù có biện pháp phòng dịch như thế nào đi nữa, cũng khó có thể “né” được sự tấn công của Covid-19. Vấn đề là thời điểm Covid-19 đặt chân tới Bình Phước là khi nào mà thôi.
Trước nguy cơ đại dịch đe dọa xâm nhập từ mọi hướng, Bình Phước đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chống dịch và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Một phần trong kế hoạch chống dịch của tỉnh là ra quân phun khử khuẩn trên diện rộng (trong ảnh là lễ phát động phun khử khuẩn được ĐĂNG NHẬP HI88
tổ chức sáng ngày 28/6 tại Quảng trường 23/3). Ảnh: Xuân Nguyên.
Và phòng tuyến chống dịch của Bình Phước đã bị xuyên thủng sau 18 tháng kể từ khi xuất hiện trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận tại nước ta, sau 16 tháng kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch về bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của vi rút corona (SARS-CoV-2) là “Đại dịch toàn cầu”. Đòn tấn công này nguy hiểm ở chỗ, vị trí bị xuyên thủng là một vị trí cũng rất xung yếu của Bình Phước: Chơn Thành - huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh, nơi tập trung công nhân nhiều nhất trong tỉnh, cũng là địa bàn công nghiệp và kinh tế trọng điểm nhất của tỉnh.
Như một công tắc tự động, toàn bộ hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Bình Phước đã lập tức kích hoạt các kịch bản phòng chống dịch. Kể từ thời khắc nhận được kết quả có ca dương tính tại Chơn Thành, ưu tiên “số 1” cho mọi không gian trong tâm trí cũng như trong hành động của nhiều vị lãnh đạo, nhiều cơ quan, bộ phận, đã dành cho phòng chống dịch, suy nghĩ làm sao để ngăn chặn dịch lây lan hiệu quả nhất… Các cuộc họp, những vấn đề đặt ra, những tình huống phát sinh ở mọi góc độ được đặt lên bàn giải quyết một cách nhanh nhất, bất kể đó là giờ nào, nửa đêm hay mờ sáng, ngày nghỉ hay ngày thường… Thường xuyên những cuộc họp trực tuyến. Không ai vắng mặt. Không ai mất tập trung. Không ai nói không, không ai nói khó, không ai nói có nhưng không làm.
Ai cũng hồi hộp dõi theo kết quả của hàng ngàn mẫu xét nghiệm mỗi ngày. Từ người lãnh đạo cao nhất đến từng người dân đều quan tâm, đều hướng về một phía. Thành quả bước đầu, mặc dù đã có những ca mắc mới, nhưng “giặc Covid-19” vẫn trong tầm kiểm soát của sự kiên cường, đoàn kết Bình Phước.
Quyết tâm cao độ
Như truyền thống lịch sử chưa bao giờ lùi bước mọi khó khăn, thử thách, để tăng cường phòng tuyến chống dịch, liên tiếp những ngày qua Bình Phước đã có hàng loạt quyết định, giải pháp mạnh, như: Các quyết định phong tỏa ngay lập tức. Bắt buộc phải có xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 3 ngày mới được vào địa bàn Bình Phước (trước đây là 5 ngày). Không có chứng nhận âm tính Covid-19 thì quay đầu xe chứ không test tại chỗ. Công chức làm việc ở Bình Phước có nhà ở Bình Dương thì không về Bình Dương, nếu về Bình Dương thì ở nhà làm việc trực tuyến, quay lại Bình Phước làm việc phải cách ly. Tạm dừng hoạt động, hoặc giải tán chợ nếu không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch…
Ngay sau khi phát hiện các ca mắc Covid-19, Chơn Thành đã tích cực điều tra truy vết dịch tễ và đưa các trường hợp F1 và F2 (có nguy cơ cao) đi cách ly tại 2 khu cách ly tập trung của huyện (trong ảnh là hoạt động phun khử khuẩn ngay khi các trường hợp F2 đến khu cách ly tập trung 2 huyện Chơn Thành). Ảnh: Đỗ Trình.
Những giải pháp này có thể ảnh hưởng phần nào đó đến cuộc sống, đến hoạt động của một bộ phận, một số lĩnh vực nào đó. Nhưng Bình Phước đã chấp nhận đi chậm lại một chút để có được sự an toàn, khi đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu, không đánh đổi một chút thuận lợi ngắn hạn cho phát triển kinh tế mà có thể phải trả giá đắt cho lâu dài, ảnh hưởng lớn đến cả cộng đồng.Quyết định này đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của nhân dân. Đơn giản là bởi những điều đó xuất phát từ lợi ích của nhân dân chứ không dành cho riêng ai.
Song song với sự quyết liệt ấy, nơi tiền tuyến là hình ảnh các y, bác sĩ, chiến sĩ quân đội, công an, dân quân và nhiều lực lượng khác trắng đêm ở hệ thống chốt kiểm soát giao thông và phòng chống dịch trong toàn tỉnh. Từ những tuyến đường lớn như QL13, QL14, ĐT741 tới những con đường mòn trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập, những con đường dốc đứng nguy hiểm như Sao Bọng - Đăng Hà, hay các con đường lô cao su ngoằn ngoèo đi qua địa phương lân cận… đều được kiểm soát chặt chẽ. Đó còn là các chốt kiểm soát dày đặc nơi biên giới xa xôi, những kẻ xâm nhập bất hợp pháp đều bị lực lượng chức năng như công an, biên phòng… bắt giữ, đưa vào khu cách ly tập trung và sẽ bị xử lý nghiêm.
Còn là hậu phương với từng ly nước, trái cam gửi đi hoặc đem đến tận nơi các chốt kiểm soát. Là những đồng tiền lương, tiền tiết kiệm, những tấm lòng sẻ chia ủng hộ Quỹ phòng chống dịch và Quỹ vắc xin Covid-19… Các lớp thành trì chống dịch liên tục được dựng lên. Quyết tâm cao độ phòng chống dịch ấy đã nhận được tình cảm, sự cộng hưởng rất mạnh mẽ của nhân dân và các cấp chính quyền trong toàn tỉnh với sự lạc quan, tin tưởng một ngày gần nhất, vi rút SARS-CoV-2 sẽ không còn trên đất ở Bình Phước.
Chung sức, đồng lòng tổng tiến công
Hơn 1 năm qua, đại dịch Covid-19 hoành hành, gây bao mất mát, tang thương ở nhiều nước trên thế giới. Bao người mỗi sớm mai thức dậy, điều mong chờ nhất là được an toàn - nhu cầu thấp nhất của con người trong tháp nhu cầu Maslow. Dẫn như thế để thấy sức mạnh và giá trị cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng có ý nghĩa như thế nào. Qua đó cũng thấy được giá trị của sức mạnh đoàn kết cộng đồng, khi chúng ta thua kém về tiềm lực tài chính và hệ thống y tế, nhưng lời giải cho bài toán vừa khó vừa mới này của chúng ta lại hiệu quả hơn cả. Một thách thức phi truyền thống, chưa từng có trong lịch sử đã được giải quyết bằng một chiến lược rất “đỉnh” và theo cách rất Việt Nam, trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Đại dịch Covid-19 gây thiệt hại và đặt Bình Phước cũng như cả nước vào một thử thách muôn vàn khó khăn, nhưng sức mạnh đoàn kết, đồng lòng đã được phát huy cao độ. Những quyết sách nhanh chóng, kịp thời, sự đồng thuận sâu sắc, rộng lớn trong toàn xã hội, sự chỉ đạo quyết liệt của những người có trách nhiệm đã phát huy hiệu quả. Cuộc tổng tiến công đại dịch Covid-19 của Bình Phước đang diễn ra chắc chắn sẽ thắng lợi và đóng góp rất lớn vào thắng lợi chung của cuộc chiến chống dịch như chống giặc của cả nước./.