(CTTĐTBP) - Đoàn Việt Nam tham dự đàm phán kỹ thuật tại Hội nghị lần thứ 28 của Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) dự kiến sẽ chủ trì một số sự kiện và tham gia nhiều sự kiện bên lề nhằm giới thiệu kinh nghiệm và quảng bá thông tin, hình ảnh ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.
COP28 dự kiến diễn ra từ ngày 30/11 đến 12/12/2023 tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đây là một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất trong năm 2023.
Dự kiến sẽ có hơn 70.000 đại biểu, bao gồm cả nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ và các nhà lãnh đạo thế giới, từ 197 quốc gia và hàng nghìn tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, nhóm thanh niên và các bên liên quan khác.
Hội nghị thượng đỉnh Hành động vì khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ COP 28 vào hai ngày 1-2/12/2023. Tham dự Hội nghị dự kiến sẽ có các Nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ của các quốc gia tham dự. Đây là diễn đàn để các quốc gia đưa ra những cam kết, hành động mới mạnh mẽ hơn trong đóng góp về tài chính, công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới thực hiện mục tiêu Thỏa thuận Paris.
Nhận lời mời của Chính phủ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28, tiến hành một số hoạt động song phương tại UAE và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 29/11 đến ngày 3/12/2023.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, COP 28 là Hội nghị rất quan trọng, diễn ra vào thời điểm then chốt cho hành động toàn cầu về biến đổi khí hậu. Tại đây, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ lần đầu tiên đánh giá những mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. COP 28 sẽ có nhiều nội dung quan trọng.
COP28 hướng đến 5 nội dung quan trọng
Về giảm phát thải khí nhà kính, COP28 tiếp tục thúc đẩy các bên giảm mạnh phát thải khí nhà kính và đưa phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ thông qua xây dựng các tiêu chuẩn, biện pháp giảm phát thải và đảm bảo khả thi trong thực hiện. COP28 sẽ tiếp tục thảo luận xây dựng tuyên bố loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy chuyển đổi là biện pháp trọng tâm thực hiện giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu ở ngưỡng 1,5oC vào cuối thế kỷ theo Thỏa thuận Paris.
Về thích ứng với biến đổi khí hậu, COP28 tiếp tục hoàn thiện khung mục tiêu thích ứng toàn cầu; giải quyết các thiếu hụt và thách thức trong quá trình xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu; lồng ghép thích ứng trong các lĩnh vực ưu tiên quốc gia hướng tới cách tiếp cận mang tính chuyển đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, đánh giá và tham gia nhiều bên trong hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường thực hiện các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển dễ bị tổn thương. COP28 cũng đặc biệt chú trọng vào các giải pháp dựa vào tự nhiên , dựa vào hệ sinh thái; tiếp tục thảo luận các giải pháp để giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại trên quy mô toàn cầu, cơ chế vận hành, đóng góp nguồn lực cho Quỹ Tổn thất và thiệt hại đã được thiết lập tại COP27.
Về tài chính khí hậu, COP28 tiếp tục xem xét tiến độ thực hiện mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm lẽ ra phải đạt được vào năm 2020; thảo luận mục tiêu huy động nguồn lực đến năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo; thảo luận để đưa ra định nghĩa về tài chính khí hậu; hoàn thiện quy trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu, các biện pháp đa dạng hoá các nguồn tài chính khí hậu, đặc biệt là tài chính tư nhân, đảm bảo cân bằng giữa tài chính cho thích ứng và giảm nhẹ; vai trò của các ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, các quỹ đầu tư trong thu hút các nguồn lực đa dạng cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Các cuộc họp định kỳ Ban thư ký Quỹ Thích ứng (AF), Quỹ Khí hậu xanh (GCF) sẽ diễn ra nhằm triển khai các kế hoạch huy động tài chính đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.
Về các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, COP28 tiếp tục hoàn thiện các quy định và hướng dẫn chi tiết để các quốc gia thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris gồm các nội dung cơ chế hợp tác chuyển giao kết quả giảm nhẹ nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (Điều 6.2); Cơ chế thúc đẩy giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hỗ trợ phát triển bền vững (Điều 6.4); Cơ chế phi thị trường tích hợp, tổng thể và cân bằng (Điều 6.8).
Trong đó có tiêu chuẩn và thủ tục chuyển đổi tín chỉ carbon hình thành theo cơ chế phát triển sạch (CDM) của Nghị định thư Kyoto sang cơ chế thúc đẩy giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hỗ trợ phát triển bền vững theo quy định của Thỏa thuận Paris.
Về đánh giá nỗ lực toàn cầu, COP28 sẽ thảo luận kết quả tổng hợp nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu đã được các quốc gia đệ trình thông qua các báo cáo quốc gia, NDC và các văn bản khác để thấy được tiến triển và những khoảng trống trong thực hiện các mục tiêu toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các hoạt động bên lề bàn nhiều giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu
Đoàn Việt Nam tham dự đàm phán kỹ thuật tại COP28 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp chỉ đạo sẽ tham dự toàn thời gian diễn ra Hội nghị COP28, bao gồm cả các phiên họp trù bị. Bên cạnh tham gia các hoạt động trao đổi, đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị COP28, Đoàn Việt Nam tham dự đàm phán kỹ thuật dự kiến sẽ chủ trì một số sự kiện và tham gia nhiều sự kiện bên lề COP28 nhằm giới thiệu kinh nghiệm và quảng bá thông tin, hình ảnh ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh các hoạt động theo quy định của Công ước, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris, nước chủ nhà UAE cũng đưa ra các hoạt động theo chủ đề nhằm thúc đẩy hợp tác và tạo đồng thuận đối với các vấn đề còn vướng mắc trong đàm phán. Các hoạt động đa dạng, phong phú và tập trung vào các giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Cụ thể:
Ngày Sức khỏe, Phục hồi và Hòa bình (3/12): Thảo luận các tác động của biến đổi khí hậu lên con người nhằm thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ y tế, cứu trợ nhân đạo, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tái thiết và hòa bình.
Ngày Thiên nhiên, Sử dụng Đất và Đại dương (4/12): Tập trung thảo luận, trình diễn các giải pháp mang lại đồng lợi ích về khí hậu và thiên nhiên. Việc thông qua mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học gần đây mang đến cơ hội tăng cường chính sách và đầu tư các giải pháp thích ứng dựa vào thiên nhiên, hệ sinh thái.
Ngày Hệ thống Thực phẩm và Nước (5/12): Tập trung thảo luận về quan hệ đối tác toàn cầu để cùng đạt được phát thải ròng bằng "0", có trách nhiệm với thiên nhiên, các hệ thống về nước và thực phẩm nông nghiệp có tính chống chịu với khí hậu. Các lĩnh vực trọng tâm cụ thể bao gồm đầu tư đổi mới, mua sắm và lộ trình chuyển đổi của quốc gia thông qua các cơ chế tài chính và chuẩn bị dự án.
Ngày Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, Công nghiệp, Thương mại (6/12): Tập trung thảo luận và trình diễn các đòn bẩy và lộ trình để khử carbon nhanh chóng trên toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng và công nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Trình bày những kết quả thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ trong sản xuất thép, xi măng và nhôm, thúc đẩy sản xuất hydro xanh và giảm phát thải trong quá trình khai thác dầu khí. Thảo luận về việc tiếp cận năng lượng toàn cầu và nhu cầu của người lao động trong ngành năng lượng và các nội dung liên quan tới làm mát.
Ngày về Thanh niên, Giáo dục và Kỹ năng (8/12): Thảo luận các biện pháp tạo điều kiện cho thanh niên tham gia vào quá trình ra quyết định tại các Hội nghị biến đổi khí hậu; lắng nghe tiếng nói của thanh niên trong các phiên thảo luận chính sách; trình diễn các giải pháp, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo do thanh niên làm chủ.
Ngày Tài chính Khí hậu, Bình đẳng Giới (9/12): Thảo luận biện pháp giải quyết ba thách thức chính trong tài chính khí hậu: thiếu quy mô, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả. Trình diễn minh chứng đầu tư vào một nền kinh tế carbon thấp và bền vững không chỉ khả thi về mặt kinh tế mà còn tạo cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Về bình đẳng giới sẽ tập trung vào các chính sách và đầu tư để đạt được chuyển đổi "công bằng giới" cho phép sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ, trẻ em gái vào hành động khí hậu.
Ngày Thành phố, Các vùng và Đô thị hóa/giao thông (10/12): Trong bối cảnh thế giới với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, các thành phố và khu vực đóng một vai trò ngày càng nổi bật trong việc thay đổi phong cách sống, tiêu dùng và di chuyển./.