(CTTĐTBP) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 về Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân đã đoàn kết, chung sức đồng lòng nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực như: Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X; Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Luật Phòng chống tham nhũng, Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020.
Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Kế thừa những thành tựu đã đạt được và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030. Chiến lược được thực hiện theo 02 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất (từ năm 2023 đến năm 2026), trong giai đoạn này tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở bất cập của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực để đề xuất các nhiệm vụ cụ thể trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV, XVI; chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn 2023 - 2026 và sơ kết việc thực hiện vào năm 2026.
Giai đoạn thứ 2 (từ năm 2026 đến năm 2030) phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn thứ nhất. Trên cơ sở sơ kết, căn cứ yêu cầu của công tác phòng chống tham nhũng và tình hình thực tiễn xây dựng Kế hoạch cụ thể để thực hiện Chiến lược giai đoạn 2026 - 2030 và đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược.
Tổng kết việc thực hiện Chiến lược vào năm 2031.
Chiến lược đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: (1) Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. (2) Kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây ựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. (3) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. (4) Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. (5) Tích cực tham gia, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng, thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng./.