(CTTĐTBP) - Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Việt Nam sẽ đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Tuy nhiên, chương trình quan trọng này đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân lực cho việc chuyển đổi số.
Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, tổng số nhân lực của ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam đã đạt mức 1 triệu người và còn tăng nhanh trong năm 2022. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ở nước ta đang thiếu đội ngũ lập trình viên, kỹ sư công nghệ thông tin, nhân viên thiết kế, nhân viên kỹ thuật… Theo số liệu của TopDev-nền tảng tuyển dụng và việc làm dành riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cơn khát nhân lực công nghệ thông tin, nhất là nguồn nhân lực cấp cao, ngày càng gay gắt. Năm 2019, Việt Nam thiếu 90.000 nhân sự, năm 2020 thiếu hơn 400.000 nhân sự, năm 2021 thiếu hơn 500.000 nhân sự và năm 2022, số nhân sự thiếu hụt còn tăng hơn rất nhiều trong xu hướng mọi ngành nghề, lĩnh vực đều chuyển đổi số để tồn tại, thích ứng và phát triển.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng nêu trên, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: Lý do chính là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ðội ngũ nhân sự mới ra trường lại thiếu những kỹ năng cần thiết do chương trình đào tạo tại các trường đại học thiếu sự định hướng, chưa đúng trọng tâm doanh nghiệp tìm kiếm. Ðồng thời, sự thiếu hụt chính sách về đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn là một trong những lý do chính khiến bài toán tuyển dụng và giữ chân nhân tài công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn. Một số tập đoàn, công ty lớn, có tiềm lực tài chính mạnh thường đưa ra mức lương cao, chế độ làm việc nhiều ưu đãi để thu hút nhân lực. Ðiều này khiến các công ty vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự hoặc giữ chân những người có kinh nghiệm.
Nhưng các chuyên gia nhận định, việc thiếu hụt nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với ngành giáo dục để giải quyết vấn đề từ gốc rễ. Hiện, mỗi năm các trường đại học trong cả nước đào tạo khoảng 50-60 nghìn nhân sự cho ngành công nghệ thông tin, còn khoảng cách rất xa so với nhu cầu của thị trường. Do đặc thù thay đổi nhanh của công nghệ thông tin và việc đào tạo cần gắn chặt với thực tế cũng như xu hướng thay đổi của công nghệ, cho nên đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, Việt Nam đã cảnh báo về tình trạng sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin từ các trường đại học trong nước yếu cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp. Các doanh nghiệp tuyển dụng thường phải mất chi phí, thời gian để đào tạo lại.
Theo ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học thành phố Hồ Chí Minh, các chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin trong nước chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, nhất là trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Hiện, chỉ có khoảng 27% số lao động công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Ngành giáo dục đang lâm vào tình trạng "hụt hẫng" với lĩnh vực công nghệ. Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Trường đại học FPT nhận định, chương trình chuyển đổi số của Chính phủ có thể coi là bước ngoặt để ngành giáo dục dũng cảm thay đổi, là cơ hội vàng để dẫn dắt tương lai. Cần tạo lập môi trường số, hệ thống quản trị số, thay đổi chương trình học như:
Thay thế một số môn bằng các môn mang tính số hóa và bổ sung các môn đặc thù, thay đổi phương pháp học...
Muốn "dẫn dắt tương lai" thì ngành giáo dục Việt Nam cần đi đầu trong chuyển đổi số, tạo nhân lực cho chuyển đổi số và là môi trường trải nghiệm cho chuyển đổi số. Bên cạnh đó, người học phải là trung tâm, mục tiêu của các hoạt động chuyển đổi số là mang lại giá trị, trải nghiệm cho người học; tạo văn hóa chuyển đổi số cho người học và đầu ra có tư duy, kỹ năng chuyển đổi số; tạo môi trường đào tạo mang tính chuyển đổi số. Ðồng thời, lãnh đạo, cán bộ, giảng viên cũng cần tích cực tham gia chuyển đổi số. Chuyển đổi số là nền tảng quan trọng để tăng trưởng và giải quyết áp lực về chất lượng giáo viên và cơ sở vật chất; là cơ hội để tạo ưu thế cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên khẳng định, việc nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin cần phải bắt nguồn từ phía các cơ sở giáo dục đại học. Các cơ sở giáo dục cần được quy hoạch, phân tầng theo chất lượng đào tạo; xây dựng, phát triển nhóm "tinh hoa" đào tạo nhân lực công nghệ thông tin với đội ngũ giảng viên giỏi, chuyên gia về nghiên cứu công nghệ; chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở thuộc nhóm giữa và nhóm cuối. Bên cạnh việc đào tạo chính quy thì cần đào tạo ngắn hạn, đào tạo lại về công nghệ thông tin; đào tạo thực tế tại các doanh nghiệp.
Ðể nâng cao chất lượng đào tạo, nhiều chuyên gia cho rằng, các trường nên phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp công nghệ để mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên ngành này. Các doanh nghiệp công nghệ có thể kết hợp với các cơ sở đào tạo để bồi dưỡng thêm kiến thức cho nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, thông qua các nhiệm vụ về khoa học-công nghệ được Nhà nước đặt hàng, các tổ chức khoa học-công nghệ cần kết nối giữa khối đại học với doanh nghiệp để đào tạo chuyên sâu cho các học viên là những sinh viên sắp tốt nghiệp đại học và đã tốt nghiệp, hoặc người đã đi làm… Người đứng lớp sẽ là các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế. Những học viên này chính là nguồn nhân lực công nghệ mới bổ sung thiết thực cho các doanh nghiệp đang có nhu cầu./.