(CTTĐTBP) - Tối ngày 08/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8, Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 10 (ACMECS 10), Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 11 (CLMV 11) và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 05 đến ngày 08/11.
Với các hoạt động phong phú về hình thức, đa dạng về đối tác, thực chất về nội dung, chuyến công tác đã thành công tốt đẹp cả về phương diện đa phương và song phương.
Nhiều thông điệp ý nghĩa gửi tới tiểu vùng, khu vực và cộng đồng quốc tế
Là những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hợp tác tiểu vùng Mekong, lần đầu tiên được tổ chức trực tiếp trở lại sau 6 năm, Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 10 và Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 11 đã thành công tốt đẹp.
Tại các Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã xác định những phương hướng lớn cho hợp tác tiểu vùng, gồm đặt hợp tác tiểu vùng Meong vào dòng chảy phát triển của thế giới, tăng cường sức mạnh nội tại của các nền kinh tế, củng cố đoàn kết và gắn kết giữa các nước thành viên để cùng ứng phó với những thách thức chung.
Ba Hội nghị đã thông qua một loạt văn kiện quan trọng như Chiến lược Đổi mới sáng tạo vì phát triển GMS đến năm 2030, Tuyên bố chung của các nhà Lãnh đạo hợp tác GMS, ACMECS và CLMV. Các nhà Lãnh đạo đã giao các Bộ trưởng, các quan chức cao cấp và các chuyên gia sớm xây dựng và triển khai các chương trình, dự án thiết thực, có tính khả thi cao trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên.
Với lịch hoạt động liên tục trong 3 ngày rưỡi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các thành viên Đoàn Việt Nam đã chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa tới tiểu vùng, khu vực và cộng đồng quốc tế, khẳng định sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam đóng góp xây dựng tiểu vùng Mekong đồng thời góp phần củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị với chủ nhà Trung Quốc và các đối tác.
Tại các hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những đánh giá, nhận định rất sâu sắc, tâm huyết, đồng thời gợi mở tư duy, cách tiếp cận, các ý tưởng mới và các đề xuất thiết thực để tạo bước phát triển đột phá cho cả ba cơ chế hợp tác.
Các phát biểu, hoạt động của Thủ tướng và đoàn đại biểu Việt Nam đã đưa ra nhận định chính xác, kịp thời về những đặc trưng nổi bật của môi trường phát triển và các xu thế lớn, từ đó giúp định vị vai trò, sứ mệnh của từng cơ chế trong kỷ nguyên mới.
Theo Thủ tướng, thế giới đang bước vào kỷ nguyên kết nối và hội nhập, kỷ nguyên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, cần đưa đổi mới sáng tạo trở thành một trọng tâm của hợp tác GMS bởi đây là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, đòi hỏi khách quan để phát triển nhanh và bền vững.
Nằm trong sự vận động và phát triển, Tiểu vùng Mekong mở rộng phải liên tục đổi mới, sáng tạo, vừa nắm bắt xu thế chung của thế giới, vừa phục vụ nhu cầu phát triển riêng của Tiểu vùng. "Đã đến lúc Tiểu vùng cần tập trung phát triển các hành lang kinh tế thế hệ mới, với đổi mới sáng tạo là trung tâm, vượt ra khỏi giới hạn của hành lang kinh tế truyền thống", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đã đề xuất GMS tập trung phát triển các hành lang kinh tế thế hệ mới, với đổi mới sáng tạo là trung tâm; ACMECS xác định sứ mệnh mới là xây dựng một cộng đồng các nước Mekong đoàn kết, vững mạnh và phát triển bền vững; và trọng tâm mới của CLMV là tạo đột phá trên cơ sở phát huy nội lực kết hợp ngoại lực và đoàn kết vượt qua khó khăn.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đề xuất ba nội hàm chính của hành lang kinh tế thế hệ mới gồm: Hành lang của công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng đến kết nối đa chủ thể, đa lĩnh vực, đa giai đoạn; hành lang của tăng trưởng kinh tế, vừa làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, vừa thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; hành lang xanh, bền vững và bao trùm, bảo đảm sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, là động lực, là nguồn lực và là mục tiêu của sự phát triển.
Cùng với đó, Thủ tướng chỉ ra các nguyên tắc, phương châm quan trọng để thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các thành viên. Thủ tướng nhấn mạnh cách tiếp cận "4 cùng": cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng; cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và tự hào.
Thủ tướng nhấn mạnh 5 bài học quý giá: Thực hiện tham vấn bình đẳng, rộng rãi, củng cố đồng thuận giữa các thành viên vì lợi ích chung; xây dựng các chiến lược, chương trình hợp tác thực chất, gắn với nhu cầu thực tế của mỗi nước và tiểu vùng; hợp tác lấy người dân, cộng đồng làm trung tâm; thúc đẩy kết nối kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; kết hợp nỗ lực của mỗi thành viên với sự đồng hành của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các đối tác phát triển; biến những khó khăn thành động lực để vươn lên, càng khó khăn chúng ta càng nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết để tạo thành sức mạnh cùng thúc đẩy hợp tác và phát triển.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn phương châm "6 gắn kết": gắn kết giữa tư duy và hành động; giữa truyền thống và hiện đại; giữa tăng trưởng nhanh với phát triển bền vững; giữa quốc gia với khu vực và quốc tế; giữa chính phủ với người dân và doanh nghiệp; giữa phát triển và duy trì ổn định và bảo đảm an ninh. Trong đó, cần đặc biệt coi trọng hợp tác quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững, công bằng và hợp lý dòng sông chung Mekong- Lan Thương và hợp tác ứng dụng công nghệ vào quản lý tổng hợp nguồn nước xuyên biên giới.
"Trong điều kiện và bối cảnh thế giới phức tạp như hiện nay, chúng ta cần phải đoàn kết, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để đối phó và vượt qua các thách thức mang tính toàn diện, toàn cầu, khu vực và toàn dân. Đây là những thách thức mà chúng ta cần phải đoàn kết để vượt qua. Và chúng ta cùng nhau phản đối chính trị hóa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thương mại, đầu tư", Thủ tướng chia sẻ.
Nhắc lại những câu nói của người Trung Quốc "chung một con thuyền, tiến cùng thời đại" và của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Biết đồng sức, biết đồng lòng, việc gì khó, cũng làm xong", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên và các đối tác phát triển để cùng xây dựng một tiểu vùng Mekong mở rộng đổi mới, sáng tạo, năng động và phát triển bền vững, thịnh vượng.
Những đúc kết rất sâu sắc này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các Lãnh đạo và các đại biểu. Đặc biệt, các đại biểu rất tâm đắc với quan điểm của Thủ tướng về "coi trọng thời gian, coi trọng trí tuệ, đổi mới để bứt phá, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên, đoàn kết thêm sức mạnh". Phía Trung Quốc đánh giá cao đề xuất của Thủ tướng Chính phủ về hành lang kinh tế thế hệ mới, coi đây là một sáng tạo. Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone ngay trong phát biểu mở đầu Hội nghị Cấp cao CLMV cũng đánh giá rất cao vai trò, sự đóng góp tích cực, nòng cốt của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác cơ chế này.
Đồng thời, Việt Nam đã có những đóng góp rất cụ thể, thiết thực cho các cơ chế hợp tác. Tại các Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã công bố việc Việt Nam sẽ đóng góp 10 triệu USD cho Quỹ Phát triển ACMECS; và tiếp tục triển khai chương trình học bổng, tiếp nhận sinh viên các nước Campuchia, Lào, Myanmar sang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc trao đổi sâu rộng với Thủ tướng Lào và Thủ tướng Campuchia về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương và ba nước trong giai đoạn phát triển mới trên tinh thần tin cậy, đoàn kết gắn bó và thông hiểu lẫn nhau. Lãnh đạo cấp cao ba nước nhất trí đẩy mạnh triển khai các lĩnh vực hợp tác chiến lược về cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, năng lượng, tài chính và giao lưu nhân dân.
Hướng tới dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương
Chuyến công tác tại Trung Quốc lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang trên đà phát triển rất tích cực, cả về chất và lượng sau khi hai bên nhất trí nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược (12/2023).
Hơn nữa, hai nước cũng đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2025 (18/01/1950-18/01/2025), một dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của hai Đảng, hai nước. Sau khi được thành lập không lâu, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chương trình làm việc hết sức phong phú, với 19 hoạt động song phương, bao gồm hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường; cùng Thủ tướng Lý Cường chứng kiến Lễ trao đổi công hàm thành lập Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Trùng Khánh; hội kiến với Lãnh đạo tỉnh Vân Nam, thành phố Trùng Khánh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Côn Minh, Bảo tàng cách mạng Hồng Nham tại Trùng Khánh- những nơi lưu dấu chặng đường hoạt động cách mạng của Bác Hồ; dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc, các chương trình giới thiệu văn hóa - du lịch Việt Nam; tiếp một số doanh nghiệp lớn, tiêu biểu của Trung Quốc; và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Trung Quốc.
Tại các cuộc hội đàm, trao đổi của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Lãnh đạo tỉnh Vân Nam, Trùng Khánh, Quảng Tây, hai bên đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về việc tiếp tục triển khai, cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, thúc đẩy quan hệ Việt Nam với Trung Quốc, trong đó có các địa phương Trung Quốc phát triển ngày càng hiệu quả, thực chất, bền vững, thể hiện rõ nét trên 4 phương diện.
Thứ nhất, tăng cường tin cậy chính trị giữa hai bên, phát huy vai trò định hướng quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ song phương. Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Lý Cường và các đồng chí lãnh đạo địa phương Trung Quốc đều đánh giá cao xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai Đảng, hai nước và giữa các địa phương hai nước; nhất trí duy trì thường xuyên các hình thức tiếp xúc linh hoạt giữa Lãnh đạo cấp cao, các cấp; thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc. Tổ chức tốt Phiên họp lần thứ 16 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2024.
Thứ hai, tiếp tục làm sâu sắc hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, củng cố nền tảng vật chất cho quan hệ hai bên. Hai bên nhất trí phát huy thế mạnh bổ trợ lẫn nhau, tập trung triển khai những dự án lớn, biểu tượng hợp tác mới của quan hệ Việt - Trung.
Thứ ba, tăng cường giao lưu nhân dân, củng cố hơn nữa nền tảng xã hội của quan hệ hai nước. Hai bên nhất trí triển khai hiệu quả các hoạt động của Năm Giao lưu nhân văn Việt - Trung 2025, coi đây là cơ hội để đẩy mạnh giao lưu nhân dân và tuyên truyền hữu nghị; thúc đẩy phục hồi du lịch; phát huy hiệu quả của các "địa chỉ đỏ" mang dấu ấn cách mạng tại Vân Nam, Trùng Khánh, Quảng Tây.
Thứ tư, hai bên nhất trí kiểm soát tốt bất đồng, không để ảnh hưởng đến quan hệ rất tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới theo 03 văn kiện về biên giới trên đất liền và các thỏa thuận liên quan, phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 25 năm ký kết Hiệp ước Biên giới trên đất liền và 15 năm ký 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền trong năm 2024.
Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường đánh giá cao chuyến công tác đến Vân Nam và Trùng Khánh của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đối với các đề xuất về hợp tác của Việt Nam, Thủ tướng Lý Cường khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc luôn coi quan hệ với Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng; nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam duy trì trao đổi chiến lược, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác thực chất, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung - Việt có ý nghĩa chiến lược không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất.
Thủ tướng Lý Cường khẳng định Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam, trong đó có mặt hàng nông sản; nhất trí tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy hợp tác xây dựng và duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ổn định ở khu vực, ủng hộ Việt Nam đăng cai tổ chức năm APEC 2027.
Cũng trong chuyến thăm, Thủ tướng đã dành nhiều quan tâm thúc đẩy hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Thủ tướng nêu bật hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư giữa hai nước đang có nền tảng chính trị rất vững chắc, nền tảng văn hoá tương đồng, nền tảng pháp lý thuận lợi, nền tảng thị trường rộng mở.
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác đầu tư kinh doanh, phát huy vai trò kết nối 2 nền kinh tế, cả về kết nối cứng, kết nối mềm, góp phần cụ thể hóa các thỏa thuận, cam kết, nhận thức chung của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, cùng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho hai nước và nhân dân hai nước, cùng nhau phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc hết sức mong chờ, kỳ vọng chuyến công tác này của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu về hạ tầng Trung Quốc đang rất nóng lòng được vào tham gia các dự án hợp tác, đầu tư hạ tầng chiến lược ở Việt Nam, nhất là về đường sắt, hàng không, đường bộ cao tốc, năng lượng.
Với tổng mức đầu tư vào Việt Nam đã đạt 2,8 tỷ USD, Tập đoàn Hoa Điện Trung Quốc mong muốn tăng cường tiếp tục đầu tư tại Việt Nam lớn hơn nữa trong các lĩnh vực như năng lượng gió, hydro xanh, tích trữ năng lượng, cải tạo nâng cấp hệ thống điện, cải thiện kỹ thuật các nhà máy điện và nâng cao hiệu suất năng lượng.
Lãnh đạo Tập đoàn Energy China - đã đầu tư 2,2 tỷ USD vào Việt Nam, bày tỏ "rất giàu lòng tin vào Việt Nam" và cho biết Tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch ở Việt Nam.
Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) khẳng định rất coi trọng thị trường Việt Nam và đang trao đổi sâu về kỹ thuật với các đối tác nhằm tiến tới đưa máy bay của COMAC vào khai thác tại Việt Nam.
Kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai
Một điểm nhấn nổi bật, chuyến công tác tại Trung Quốc lần này của Thủ tướng Chính phủ không chỉ thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế mà còn thúc đẩy kết nối văn hóa – du lịch, nền tảng xã hội; không chỉ kết nối thúc đẩy các dự án cụ thể mà còn kết nối về tư duy, tầm nhìn phát triển; không chỉ thúc đẩy kết nối trong hiện tại mà còn khẳng định sự trân trọng những sợi dây liên hệ trong lịch sử hào hùng của hai dân tộc để cùng hướng tới tương lai; không chỉ thúc đẩy kết nối giữa hai nước mà còn kết nối giữa các địa phương của hai nước và giữa hai nước với các nước khác, kết nối thúc đẩy các hành lang kinh tế mới vươn xa hơn.
Điều này thể hiện qua việc Thủ tướng Chính phủ đã có 2 cuộc gặp với cộng đồng người Việt Nam tại Côn Minh và Trùng Khánh; đồng thời tham dự 2 sự kiện giới thiệu, quảng bá văn hóa – du lịch Việt Nam tại 2 địa phương này. Đây cũng là những điểm khá đặc biệt so với các chuyến công tác tới các quốc gia khác của người đứng đầu Chính phủ.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, hợp tác văn hóa – du lịch là một điểm sáng nổi bật trong quan hệ song phương. Việc tổ chức các chương trình, ngày hội văn hóa, du lịch Việt Nam tại Trung Quốc có ý nghĩa thiết thực, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa, du lịch của nhân dân hai nước, vừa góp phần củng cố tình hữu nghị "vừa là đồng chí, vừa là anh em" giữa hai nước, đặc biệt là trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch Việt Nam và Trung Quốc với phương châm 20 chữ "liên kết chặt chẽ; phối hợp nhịp nhàng; hợp tác sâu rộng; bao trùm, toàn diện; hiệu quả, phù hợp".
Trong tổng thể mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Côn Minh (Vân Nam) và Trùng Khánh – hai địa điểm mà Thủ tướng và đoàn tới thăm lần này luôn là những địa phương có truyền thống hữu nghị, gắn bó với Việt Nam; là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Nhân dân Việt Nam, người bạn, người đồng chí, anh em thân thiết của nhân dân Trung Quốc từng nhiều năm hoạt động cách mạng, kề vai sát cánh bên những người cộng sản Trung Quốc.
Thủ tướng và các thành viên đoàn Việt Nam đã hết sức xúc động được thăm lại Khu Di tích lịch sử Hồng Nham tại thành phố Trùng Khánh - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và hoạt động cách mạng trong giai đoạn khoảng những năm 1939-1940 và Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam – nơi người từng sống và làm việc từ tháng 2 đến tháng 10 năm 1940 trước khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Theo Thủ tướng, đây là những di tích lịch sử quý báu, minh chứng cho truyền thống đoàn kết, gắn bó của cách mạng hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam chân thành cảm ơn Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Vân Nam, thành phố Trùng Khánh đã trân trọng gìn giữ các di tích, khẳng định đây mãi luôn là những "địa chỉ đỏ" để người dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước học tập, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, qua đó đóng góp tích cực cho việc vun đắp tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc.
Trong trao đổi với các nhà lãnh đạo, đối tác Trung Quốc, Thủ tướng nêu rõ, Trung Quốc là nước láng giềng có chung đường biên giới, "núi liền núi, sông liền sông", là nước bạn bè truyền thống xã hội chủ nghĩa và có quan hệ mật thiết với Việt Nam. Trong chặng đường gần 75 năm qua, quan hệ hữu nghị "vừa là đồng chí, vừa là anh em" do các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc, coi đây là chủ trương nhất quán, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại. Việt Nam ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Cách đây 65 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Chúc mừng Trung Quốc, cảm ơn Trung Quốc, học tập Trung Quốc" và điều này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân của hai nước cùng góp phần cho tình hữu nghị "vừa là đồng chí vừa là anh em" Việt Nam – Trung Quốc được xây dựng, vun đắp qua nhiều thế hệ và còn tiếp tục trao truyền cho các thế hệ mai sau, ngày càng đơm hoa, kết trái, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, cho hai nước và nhân dân hai nước.
Với nhiều ý nghĩa sâu sắc, Thủ tướng đã dành nhiều thời gian trao đổi với các nhà lãnh đạo, các đối tác Trung Quốc về việc thúc đẩy kết nối đường sắt, nhất là hợp tác triển khai 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối giữa hai nước (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng), phấn đấu khởi công tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2025.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của các tuyến đường sắt này đối với việc kết nối hai nền kinh tế, kết nối con người, thúc đẩy giao lưu nhân dân hai nước hiện nay, nhất là giúp Vân Nam có đường ra biển gần nhất và các tỉnh biên giới phía bắc của Việt Nam cũng có thêm điều kiện để phát triển vươn lên.
Nhìn lại lịch sử, Thủ tướng cũng cho rằng việc kết nối hai dân tộc, hai nền kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc có vai trò quan trọng khởi đầu của đường sắt từ hơn một trăm năm trước đây. Nhiều người Việt Nam đã đi theo tuyến đường sắt nối giữa Vân Nam (Trung Quốc) với Việt Nam đến Vân Nam làm việc, sinh sống, nhiều gia đình đã có 4 thế hệ tại đây. Các tài liệu lịch sử cũng cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đi khảo sát dọc tuyến đường này trong thời gian hoạt động cách mạng tại Trung Quốc.
Khi tới thăm Trung tâm logistics Trùng Khánh và đón chuyến tàu ASEAN Express xuất phát từ Hà Nội tới Trung tâm này, Thủ tướng đã tiếp tục đề nghị hai bên khẩn trương tăng cường kết nối với Việt Nam cả đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, nhất là tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ Việt Nam qua Trùng Khánh, Trung Quốc tới Trung Á và châu Âu, tháo gỡ nút thắt vận tải, mở lại "con đường tơ lụa" trong thời đại mới, mở ra hành lang thương mại mới, không chỉ kết nối Việt Nam – Trung Quốc mà cả ASEAN và Trung Á và châu Âu.
Trong trao đổi trước đây với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các nước Trung Á cho biết rất muốn khôi phục, thúc đẩy hợp tác kinh tế với Việt Nam sau đại dịch COVID-19 nhưng vận tải là nút thắt vì đường bộ khó khăn, đường hàng không đắt đỏ, vận tải đường biển thì thời gian kéo dài. Đường sắt dung hòa được những vấn đề đặt ra nói trên, với thời gian lưu chuyển hàng hóa không quá lâu và cước không quá cao, lại an toàn.
Trong chuyến công tác, hai bên đã nhất trí coi triển khai 03 tuyến đường sắt nói trên là ưu tiên cao nhất trong hợp tác kết nối hạ tầng chiến lược giữa hai bên. Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc cho biết tập đoàn hết sức quan tâm và đang nghiên cứu kỹ, mong muốn và sẵn sàng tham gia triển khai tuyến đường sắt Côn Minh - Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, đồng thời đang nghiên cứu việc tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam của Việt Nam…
Trên cơ sở hai bên nhất trí nội dung Thỏa thuận hợp tác 3 tuyến đường sắt và thúc đẩy sớm ký kết trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị hai bên đẩy nhanh hợp tác triển khai 3 tuyến đường sắt, đề nghị Trung Quốc hỗ trợ về vốn, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực trong việc thực hiện các dự án này.
Thiết thực góp phần triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, chuyến công tác thể hiện cam kết, chuyển tải thông điệp Việt Nam luôn coi trọng và đóng góp thúc đẩy các cơ chế GMS, ACMECS, CLMV cũng như tổng thể hợp tác tiểu vùng Mekong tạo bứt phá trong giai đoạn phát triển mới; khẳng định tư duy đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, huy động các nguồn lực mới cho phát triển đất nước./.