(CTTĐTBP) - Những năm qua, các ngành chức năng huyện Đồng Phú đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em trên địa bàn bị đuối nước vẫn diễn ra, đòi hỏi chính quyền các cấp, cơ quan chức năng cần phải đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn để không còn tình trạng đuối nước thương tâm… Việc học bơi kết hợp với các kỹ năng an toàn là giải pháp được ưu tiên hàng đầu để giúp các em tự bảo vệ mình, góp phần giảm thiểu thương vong khi xảy ra sự cố trên sông nước.
Tai nạn đuối nước ở trẻ - nỗi lo thường trực
Đã gần 2 tháng trôi qua, mỗi lần nhìn vào di ảnh của đứa con xấu số, chị B.T.H (SN 1973) ngụ ấp Minh Tân, xã Tân Tiến vẫn không cầm được nước mắt. Sự ra đi của đứa con gái để lại nỗi đau và sự hối hận khôn nguôi của người lớn khi không quản lý chặt con trẻ. Cụ thể, ngày 14-2, con gái chị cùng bạn đi bắt ốc và trượt chân ngã xuống hồ rồi đuối nước tại hồ Suối Giai, ấp Chợ, xã Tân Tiến.
Mới đây nhất là vụ một học sinh lớp 9, Trường THCS Tân Hòa, xã Tân Hòa bị nước cuốn trôi khi trên đường đi học thêm về vào chiều 31-3. Những vụ việc đau lòng này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ đuối nước ở trẻ em vẫn luôn thường trực. Đòi hỏi mỗi gia đình, các cấp chính quyền, ngành chức năng… phải tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng chủ yếu là do trẻ không biết bơi hoặc thiếu kỹ năng, kiến thức để phòng tránh. Bên cạnh đó là do thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội. Các em cũng chưa thực sự ý thức về sự nguy hiểm của việc tắm biển, sông, suối, ao, hồ... khi không có người lớn giám sát, trong khi phần lớn các em thiếu kỹ năng và xử lý tình huống khi bơi lội. Ngoài ra, hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm ở một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước chưa được các địa phương quan tâm đúng mức.
Trong nhiều nỗ lực của các cấp, ngành chức năng nhằm kiểm soát tình trạng tai nạn đuối nước, các trường học trên địa bàn huyện đã tích cực triển khai việc dạy và học bơi. Tại các kỳ hội khỏe Phù Đổng cấp huyện, Phòng GD&ĐT cũng đã đưa môn bơi vào thi đấu, phối hợp với Huyện đoàn tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh. Qua đó, nhằm trang bị cho các em kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, bơi hoặc giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh… Đồng thời, các trường học còn bố trí giáo viên thể dục mở thêm nhiều lớp dạy bơi nhằm trang bị thêm kỹ năng cho các em.
Dạy bơi cho trẻ - yêu cầu cấp thiết
Hiện nay, toàn huyện Đồng Phú có 5 hồ bơi tư nhân, khu vui chơi cho thiếu nhi được cấp phép hoạt động, thu hút hàng ngàn lượt trẻ em đến tham gia bơi lội, rèn luyện thân thể. Mùa hè là thời điểm nhu cầu vui chơi giải trí, hoạt động bơi lội của trẻ em tăng cao. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm tai nạn đuối nước ở trẻ em thường gia tăng, khiến không ít phụ huynh lo lắng.
Chị Vũ Thị Hồng Hạnh ở ấp An Hòa, xã Tân Tiến cho biết: Nhà tôi ở gần bàu nước nên gia đình luôn lo lắng mỗi khi người lớn vắng nhà, nhất là vào dịp hè. Bởi vậy, tôi chủ động cho con học bơi từ nhỏ để hướng con đến các hoạt động thể thao lành mạnh, đồng thời rèn luyện sức khỏe và kỹ năng sống. Năm nào tôi cũng đăng ký cho con học bơi. Thấy con nô đùa trong môi trường an toàn, có người giám sát, tôi rất yên tâm.
Hiện phong trào bơi lội đang có những điều kiện cần thiết để phát triển, từ cơ sở vật chất, đội ngũ hướng dẫn viên tại trường học đến sự quan tâm của các cấp chính quyền, phụ huynh và niềm đam mê của rất nhiều học sinh. Không phải ngẫu nhiên mà lần đầu tiên môn bơi lội được đưa vào Đại hội thể dục thể thao của huyện Đồng Phú. Trong 6 lần tổ chức trước đó, dù rất muốn đưa môn thể thao này vào chương trình đại hội nhưng do quá ít vận động viên đăng ký nên ban tổ chức đành tạm gác. Nhưng ở kỳ đại hội thứ VII này, môn bơi đã chính thức có mặt với gần 100 vận động viên đăng ký tranh tài ở 10 nội dung thi đấu. Điều đó chứng tỏ bộ môn này đang phát triển tương đối tốt, thu hút nhiều người tham gia tập luyện. Đặc biệt, hơn một nửa vận động viên thi đấu ở đại hội đều đang trong độ tuổi đến trường.
Em Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc, lớp 8A4, Trường THCS Tân Tiến, vận động viên môn bơi lội xã Tân Tiến cho biết: Em học bơi từ năm lớp 3. Những buổi đầu em được hướng dẫn các động tác khởi động, cách hít thở sao cho đúng vì nếu không sẽ rất dễ bị sặc nước và không bơi được xa, sau đó đến các bài học bơi cơ bản. Em và các bạn còn được thầy hướng dẫn những động tác để sơ cứu người bị đuối nước... Em rất thích học môn này và nghĩ rằng cũng rất nhiều bạn có sở thích giống em.
Bình Phước nói chung và huyện Đồng Phú nói riêng vốn có nhiều ao, hồ, sông, suối, trong khi mùa hè lại là thời điểm mùa mưa đến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước. Vì vậy, việc bồi dưỡng kỹ năng bơi lội cho trẻ là yêu cầu cấp thiết, không chỉ đối với từng gia đình mà còn của nhà trường và toàn xã hội./.