(CTTĐTBP) - “Theo đánh giá của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Lộc Ninh, thời gian qua, các hội viên đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Đây là đòn bẩy giúp chị em có thêm điều kiện để tạo dựng nền tảng cơ ngơi, phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế” - chị Ngô Thị Thùy Trang, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Lộc Ninh cho biết.
VỐN KHỞI NGHIỆP - SỰ TIẾP SỨC KỊP THỜI
Đầu năm 2020, chị Trần Thị Nga ở ấp Tân Lợi, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng vốn khởi nghiệp, cộng thêm vốn của gia đình bỏ ra, chị Nga đã mở đại lý cám và đầu tư phân bón cho 1,5 ha bưởi. Nhờ có đại lý cám, chị yên tâm mở rộng quy mô chăn nuôi, ngoài đàn heo 30 con nái và hơn 100 heo thịt đang phát triển tốt, số heo con sinh ra chị đều để lại nuôi. Chị còn duy trì được gian hàng bình ổn giá thịt heo từ đầu mùa dịch tới nay. Vườn bưởi cũng phát triển tốt và đang thời kỳ ra trái.
Không chỉ phục vụ nhu cầu chăn nuôi của gia đình, chị Nga còn cung cấp cám cho các trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với giá ổn định. Riêng đối với phụ nữ khó khăn, chị hỗ trợ mua thiếu cám, đến khi xuất bán mới hoàn lại tiền. “Phụ nữ làm kinh tế ban đầu rất vất vả, gặp khó khăn đủ thứ từ vốn đến thị trường tiêu thụ. Vì thế, tôi giúp đỡ một số chị em không có vốn được mua thiếu cám để chăn nuôi, cũng muốn chia sẻ phần nào lợi nhuận cho chị em” - chị Nga chia sẻ.
Giữa tháng 4 vừa qua, Hợp tác xã (HTX) lúa gạo chất lượng Lộc Khánh với 11 thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng đã chính thức ra mắt. Đây là tâm huyết của chị Thị Lộc, Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX. Với sự quan tâm, hỗ trợ một phần vốn của hội phụ nữ và phương án sản xuất - kinh doanh theo hướng đổi mới, bám sát cơ sở, HTX được kỳ vọng sẽ đem lại khởi sắc, thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác; xây dựng thương hiệu lúa đặc sản Lộc Khánh; tạo việc làm, nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ nông thôn.
Theo chị Lâm Thị Tuyết, thành viên HTX, thời gian qua, gia đình chị cũng như bà con địa phương trồng chủ yếu giống lúa 4900. Sau 1, 2 vụ đầu cho năng suất cao, các vụ sau năng suất giảm dần, khả năng chống chịu sâu bệnh cũng kém dần. Vì thế, chị mong muốn ngoài trợ giá phân bón, mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa, bà con sẽ được giới thiệu thêm giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao hơn.
Chị Thị Lộc cho biết: HTX đã thử nghiệm thành công giống lúa ST24 trên đất Lộc Khánh. Sắp tới, giống lúa này sẽ được nhân rộng trong các thành viên nhằm cải thiện năng suất, chất lượng lúa gạo cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó, mục đích thành lập HTX là để bao tiêu sản phẩm, tìm đầu ra ổn định cho người trồng lúa. Chúng tôi hy vọng sẽ tìm được thị trường tiêu thụ lớn, giúp bà con nông dân yên tâm, tiếp tục gắn bó lâu dài cùng cây lúa.
HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN VỐN HỖ TRỢ PHỤ NỮ KHỞI NGHIỆP
Thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các cấp Hội LHPN huyện Lộc Ninh đã tích cực, chủ động trong việc huy động các nguồn lực để hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp.
Phương thức khởi nghiệp của phụ nữ Lộc Ninh cũng rất linh hoạt, tùy điều kiện thực tế và số vốn được hỗ trợ. Có chị mở quán ăn sáng, tiệm trà sữa, có chị đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, cũng có chị kinh doanh, buôn bán nhỏ… Nhìn chung, các chị em đều xem đây là cơ hội cải thiện cuộc sống nên cố gắng phát huy hết giá trị nguồn vốn được hỗ trợ.
Năm 2021, các cấp Hội LHPN huyện Lộc Ninh đã hỗ trợ vốn cho 43 chị khởi nghiệp với tổng trên 930 triệu đồng. 4 tháng đầu năm nay, ngoài 3 dự án do Hội LHPN tỉnh cấp vốn gồm: dự án trồng bưởi da xanh và đại lý cám của chị Trần Thị Nga, xã Lộc Phú; dự án HTX lúa gạo chất lượng Lộc Khánh của chị Thị Lộc, xã Lộc Khánh; Tổ hợp tác handmade Ái Phương của chị Hoàng Thị Ái Phương, thị trấn Lộc Ninh, Huyện hội cũng huy động được hơn 300 triệu đồng hỗ trợ 13 hội viên khởi nghiệp.
“Ngoài nguồn vốn từ Tỉnh hội, chúng tôi đã có kế hoạch tiếp tục huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong chị em, vốn xã hội hóa để thực hiện tốt hơn nữa Đề án 939 trong thời gian tới. Qua đó khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ Lộc Ninh, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - chị Trang cho biết thêm./.