Đăng Nhập Hi88: Trang Chủ

Gia tăng ca sốt xuất huyết, dấu hiệu nào để phân biệt với nhiễm Covid-19?

Thứ bảy - 28/05/2022 09:42 2208
(CTTĐTBP) - Số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt tại các tỉnh phía nam, trong đó, có nhiều trường hợp đến viện muộn vì nhầm lẫn với nhiễm Covid-19 hoặc chủ quan tự điều trị tại nhà. 
 
280736551 2891924601112068 86221 1653638570174
Bác sĩ khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Sốt xuất huyết gia tăng ở cả người lớn và trẻ em

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, so với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết nặng tăng gấp 5 lần, đặc biệt số mắc bệnh nhiều nhất là ở trẻ em trên 5 tuổi. Số bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng do mùa mưa đang đến, muỗi có điều kiện phát triển.

Chỉ trong tuần qua, địa phương này ghi nhận hơn 900 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 19,7% so với trung bình 4 tuần trước.

Tại Hà Nội, trong tuần qua (tính từ ngày 14/5 đến 20/5) số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng so với những tuần trước đó. Nếu như đầu tháng 5/2022, trên địa bàn thành phố trung bình ghi nhận từ 2 đến 5 ca sốt xuất huyết mỗi tuần thì đến cuối tháng, số ca mắc đã tăng lên từ 8 đến 15 ca/tuần.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 47 ca mắc sốt xuất huyết, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2021. Theo các chuyên gia, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc chủ yếu rơi vào khoảng tháng 7, 8 nên chưa báo động như các tỉnh phía nam.

Theo chu kỳ dịch bệnh, cứ sau 5 năm sẽ có một đỉnh dịch sốt xuất huyết. Lần dịch xảy ra lớn và gần đây nhất vào năm 2017 và năm nay được dự báo sẽ xuất hiện đỉnh dịch.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết phải nhập viện cũng bắt đầu tăng. Bệnh nhân N.V.H (26 tuổi, Hà Nội) cho biết mình bị sốt cao đột ngột. Tuy nhiên, bệnh nhân nghĩ mình mắc Covid-19.

"Tôi đã tiêm 3 mũi vaccine Covid-19 nên nghĩ mình chỉ mắc Covid-19 nhẹ và nhanh khỏi. Tuy nhiên, tới ngày thứ 3, tôi vẫn sốt cao 40 độ C kèm theo triệu chứng đau đầu, mệt mỏi nhiều nên quyết định khám. Tới viện thì xét nghiệm cho thấy tiểu cầu giảm sâu, mắc sốt xuất huyết", anh H. nói. 
 

Các chuyên gia dự báo trong năm 2022, sốt xuất huyết có thể xảy ra dịch lớn.
 

Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, nếu anh H. đến viện muộn, nguy cơ xuất huyết nội tạng, đặc biệt xuất huyết não sẽ để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân.

Rất may bệnh nhân nhập viện kịp thời, được theo dõi để tránh những biến cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo bác sĩ Hường, hiện bệnh viện ghi nhận một số bệnh nhân tới khám vì sốt xuất huyết. Tuy tỷ lệ khám, điều trị chưa cao đột biến nhưng đa phần đều vào viện trong tình trạng nặng. 

"Có người nghĩ là mình bị mắc Covid-19, có người ngại tới viện nên tự điều trị tại nhà. Điều này rất nguy hiểm vì một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất là giảm tiểu cầu, gây ra tình trạng rối loạn đông máu, chảy máu ở nhiều nơi gây ra xuất huyết não, đường tiêu hoá", bác sĩ Hường nói. 
 

281953765 1362153830937828 31905 1653638608328
Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn.

Không nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết và Covid-19

ThS, BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết. "Có thời điểm 90% bệnh nhân nằm ở Khoa Nhi điều trị sốt xuất huyết. Thực tế, ý thức chủ quan khiến quá trình điều trị khó khăn, gây biến chứng không đáng có", bác sĩ Thoa nói. 

Chuyên gia này cho biết, giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19 từng có ca tử vong do sốt xuất huyết mà nguyên nhân rất đau lòng là do sợ dịch. Ngoài ra, có nhiều trẻ bị trì hoãn việc đi khám vì phụ huynh tự chẩn đoán bệnh cho trẻ.

"Có trường hợp trẻ sốt cao, người thân nghi ngờ bị Covid-19 nên tự cách ly tại nhà hoặc có những bé bị sốt sau chích ngừa Covid-19 lại tưởng là sốt do chích ngừa mà không đến bệnh viện sớm. Cá biệt, đã có trường hợp nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết với sốt phát ban nên tự điều trị sai cách", bác sĩ Thoa nói. 
 

tay chan mieng 1653638652304
 Bác sĩ Thoa khám cho bệnh nhi nằm điều trị tại viện.

Theo bác sĩ Kim Thoa, khi trẻ sốt cao, phụ huynh nên cho trẻ đi thăm khám vì có rất nhiều nguyên nhân gây sốt ở trẻ em. Trẻ sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục và không kèm các triệu chứng đường hô hấp như ho hay sổ mũi; trong khi nhiễm Covid-19, trẻ có thể sốt cao hay sốt nhẹ, kèm triệu chứng ho, chảy mũi, nghẹt mũi…

Mặc dù có sự khác biệt giữa các bệnh như sốt xuất huyết, nhiễm Covid-19 nhưng cả 2 bệnh đều do siêu vi nên giai đoạn sớm bệnh có thể có biểu hiện khá giống nhau.

“Để biết chính xác có phải trẻ sốt xuất huyết hay không, trẻ cần được thăm khám và làm xét nghiệm. Ngoài xác định được bệnh, xét nghiệm máu còn giúp tiên lượng bệnh nhân mắc bệnh nặng hay nhẹ. Do đó, dù phụ huynh nghi ngờ trẻ bị bệnh gì, nhưng khi trẻ sốt cao khó hạ hay đã qua 48 tiếng mà trẻ vẫn còn sốt thì nên đưa đi khám ngay”, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa nói thêm.

Thực tế này cũng được ghi nhận ở nhiều cơ sở y tế khiến cho việc đi khám và điều trị bị muộn. 

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hường, hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang lưu hành khiến cho rất nhiều người nhầm lẫn giữa Covid-19 và sốt xuất huyết. Sốt cao là một phản ứng bất thường của cơ thể, khi có dấu hiệu này, bệnh nhân nên tới các cơ sở y tế thăm khám để tìm nguyên nhân.

Chuyên gia này cũng chỉ ra, để phân biệt giữa sốt xuất huyết và Covid-19, mọi người cần lưu ý, với sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ sốt rất cao, 39-40 độ C. Bệnh nhân sẽ có thêm triệu chứng đau đầu, đau mỏi người. Với Covid-19, nếu người bệnh đã tiêm vaccine thì sốt sẽ không cao, ở mức 37-38,5 độ C.
 

Tại buổi tập huấn cho hơn 1.000 y, bác sĩ ngày 24/5 về phòng, chống dịch bệnh, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các cơ sở y tế thực hiện rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Bố trí phòng khám lại, thời gian khám lại các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue vào các khung giờ phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh sốt xuất huyết Dengue và người bệnh khác;

Các bệnh viện cần tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết Dengue đang nằm nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue có diễn biến nặng lên.

Đồng thời ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết, tăng cường củng cố và duy trì hoạt động của "Nhóm điều trị sốt xuất huyết" và "Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue" tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết...

 

Tác giả bài viết: Theo Báo Nhân Dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3,834
  • Hôm nay363,934
  • Tháng hiện tại9,969,866
  • Tổng lượt truy cập383,090,203
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây