(CTTĐTBP) - Ngày 08/01/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành trung ương, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững năm 2024.
Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch vốn triển khai Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, đảm bảo đúng đối tượng, phạm vi, nội dung, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ của từng dự án, tiểu dự án, phù hợp với khả năng thực hiện, hạn chế tối đa việc hủy dự toán và chuyển nguồn.
Các địa phương ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình theo quy định tại Điều 13 Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; lồng ghép với dự toán ngân sách trung ương và huy động tối đa các nguồn lực tài chính hợp pháp khác để thực hiện Chương trình trên địa bàn. Rà soát, xác định nhiệm vụ và kinh phí thuộc dự toán ngân sách Nhà nước được giao năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022), năm 2023 thực hiện Chương trình (bao gồm vốn đầu tư phát triển, kinh phí thường xuyên của ngân sách trung ương và địa phương) được chuyển nguồn sang năm 2024 để tiếp tục thực hiện đảm bảo đúng quy định, tiến độ triển khai và hiệu quả sử dụng kinh phí.
Đồng thời, tổ chức thực hiện chi ngân sách Nhà nước theo dự toán được giao, đảm bảo phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách và cấp dưới theo đúng thời hạn và quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có biện pháp quyết liệt tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn được phân bố theo các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chịu trách nhiệm toàn diện trong triển khai thực hiện Chương trình. Cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG. Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương nghiên cứu, xây dựng cơ chế phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân vào công tác giảm nghèo; tiêu chí khuyến khích cá nhân, hộ gia đình thoát nghèo, giảm nghèo bền vững.
Chỉ đạo tổ chức công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm một cách thực chất, khách quan, công bằng theo quy trình quy định. Bảo đảm kết quả giảm nghèo hàng năm phải phản ánh được mức độ cải thiện các chiều thiếu hụt, tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống của người dân. Đối với các huyện nghèo, ngoài việc đánh giá kết quả giảm nghèo cần đặc biệt quan tâm đánh giá mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm, riêng đối với 22 huyện nghèo phấn đấu đến năm 2025 thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng 1,8 lần so với năm 2020. Chỉ đạo đổi mới phương thức, cách thức, hoạt động đào tạo nghề; phát triển, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, sinh kế gắn với kết quả về chỉ số tạo việc làm, mức tăng thu nhập, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện, chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp nhằm xử lý kịp thời đối với những vấn đề phát sinh. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về kết quả thực hiện Chương trình, gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan chủ dự án, tiêu dự án thành phần để tổng hợp theo quy định. Nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 11/12/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo thẩm quyền./.