(CTTĐTBP) - Ngày 27/9, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan và địa phương tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào địa bàn tỉnh.
Để chủ động ngăn chặn tình hình nhập lậu động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt đối với động vật là lợn, phòng chống dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào địa bàn tỉnh, qua đó đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thực hiện nghiêm chỉ đạo tại Công văn số 13/BCĐ-QLTT ngày 20/6/2023 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam và Công văn số 19/BCĐ-QLTT ngày 18/8/2023 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới vào Việt Nam.
Tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các bến bãi, khu vực cửa khẩu, lối mòn, lối mở biên giới. Ngăn chặn hiệu quả, bắt giữ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu vào địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh bến, bãi, tiếp tay, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh, bắt giữ, kiểm dịch, xử lý động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với động vật, sản phẩm động vật, gia cầm, sản phẩm gia cầm kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về tác hại của việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới; sự lan tràn các dịch bệnh như cúm A (H7N9, H5N1), lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi… xuất phát từ các động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc./.