(CTTĐTBP) - Ngày 09/11/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển (NN&PTNT) nông thôn đã ký ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030.
Việc phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng rau trong nước và một phần xuất khẩu, phát triển bền vững ngành hàng rau, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phấn đấu sản lượng rau cả nước đạt 23 - 24 triệu tấn; trong đó sản lượng rau phục vụ chế biến khoảng 1 -1,3 triệu tấn. Trên 95% số mẫu rau được thanh tra, kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn. Tỷ lệ diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chiếm khoảng 30% tổng diện tích gieo trồng rau cả nước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu rau đạt khoảng 1 - 1,5 tỷ USD.
Định hướng phát triển sản xuất rau cả nước
Đến năm 2030, định hướng diện tích rau cả nước đạt khoảng 1,2-1,3 triệu ha. Trong đó, nhóm rau chủ lực gồm: rau cải các loại; dưa hấu; dưa chuột; hành, tỏi; rau họ đậu; ớt chay; cà chua. Nhóm rau khác chiếm khoảng 60% tổng diện tích gieo trồng rau cả nước, gồm các loại: qau muống; bầu, bí; khoai tây; cà rốt; rau gia vị; cà các loại; rau bản địa,… phân bổ ở tất cả các vùng trong cả nước.
Định hướng phát triển sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến
Đến năm 2030, diện tích rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc cả nước khoảng 360-400 nghìn ha; trong đó diện tích rau phục vụ chế biến khoảng 50-60 nghìn ha, gồm các loại: cà chua, dưa chuột, ớt cay, khoai tây, một số loại rau cải... Diện tích rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc phân chia theo các vùng như sau: Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Đề án này, Bộ NN&PTNT đã đặt ra một số giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như: tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng rau, ưu tiên tại các vùng tập trung; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rau từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bền vững; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; hạn chế sử dụng hóa chất vô cơ; chuyển giao quy trình sản xuất rau an toàn vào thực tiễn sản xuất.
Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất rau theo hướng xã hội hóa, chủ yếu là vốn của doanh nghiệp và người dân. Các hộ gia đình đầu tư hình thành vùng sản xuất rau tập trung. Hợp tác xã, Tổ hợp tác liên kết với các hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản rau. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở sơ chế, nhà máy chế biến, thương hiệu sản phẩm rau,... Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế về phát triển sản xuất rau như: trao đổi nguồn gen cây rau; nghiên cứu chọn tạo hoặc nhập nội các giống rau mới, các giống lai; xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật sản xuất rau an toàn phù hợp với các nước nhập khẩu rau; quản trị chuỗi sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến rau; quản lý các yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước và đất trồng rau; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm rau...