(CTTĐTBP) - Nghị định số 72/2023/NĐ-CP ngày 26/9/2023 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô có hiệu lực từ ngày 10/11/2023. Nghị định này có quy định danh mục xe ô tô chuyên dùng.
Theo đó, xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế gồm: Xe ô tô cứu thương (xe ô tô cứu thương đáp ứng tiêu chuẩn do Bộ Y tế quy định, xe ô tô cứu thương có kết cấu đặc biệt).
Xe ô tô chuyên dùng có kết cấu đặc biệt sử dụng trong lĩnh vực y tế gồm: Xe chụp X.quang lưu động; xe khám, chữa mắt lưu động; xe xét nghiệm lưu động; xe phẫu thuật lưu động; xe lấy máu; xe vận chuyển vắc xin, sinh phẩm. Xe ô tô khác được thiết kế dành riêng cho các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phòng chống dịch, kiểm nghiệm.
Xe ô tô chuyên dùng có gắn hoặc sử dụng thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động y tế gồm: Xe chuyên dùng phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ trung và cấp cao; xe vận chuyển máu và các loại mẫu thuộc lĩnh vực y tế bao gồm mẫu bệnh phẩm, mẫu bệnh truyền nhiễm, mẫu thực phẩm, mẫu thuốc (bao gồm cả vắc xin, sinh phẩm), mẫu thuộc lĩnh vực môi trường y tế; xe vận chuyển người bệnh; xe giám định pháp y, xe vận chuyển tử thi; xe chở máy phun và hóa chất lưu động; xe phục vụ lấy, vận chuyển mô, tạng để phục vụ công tác cấy ghép mô, tạng cho người; xe vận chuyển bữa ăn cho bệnh nhân tâm thần; xe vận chuyển dụng cụ, vật tư, trang thiết bị y tế chuyên dùng trong lĩnh vực truyền nhiễm.
Xe ô tô gắn mô hình giảng dạy, mô hình mô phỏng, các thiết bị và phương tiện giảng dạy, giáo cụ trực quan; xe ô tô khác có gắn thiết bị chuyên dùng dành riêng cho các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phòng chống dịch, kiểm nghiệm; xe chỉ đạo tuyến có gắn thiết bị chuyên dùng; xe chuyển giao kỹ thuật có gắn thiết bị chuyên dùng; xe ô tô có gắn thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác nghiên cứu, đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng (theo dõi các phản ứng sau tiêm) và xử lý sự cố tại các điểm tiêm.
Ngoài ra, xe chuyên dùng còn gồm: Xe ô tô có kết cấu đặc biệt (xe chở tiền, vàng bạc, đá quý; xe trang bị phòng thí nghiệm, xe cần cẩu, xe thu gom, ép rác, xe chở rác, chất thải...); xe ô tô gắn thiết bị chuyên dùng (thiết bị chuyên dùng được gắn cố định với xe) hoặc xe ô tô được gắn biển hiệu nhận biết theo quy định của pháp luật (xe gắn thiết bị thu, phát vệ tinh; xe phát thanh truyền hình lưu động; xe thanh tra giao thông; xe phục vụ tang lễ; xe giám sát hải quan; xe đào tạo, tập lái, sát hạch xe ô tô, xe hộ tống tiền,...); xe ô tô tải; xe ô tô trên 16 chỗ ngồi.
Về thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng, Điều 17 Nghị định số 72/2023/NĐ-CP nêu rõ: Với xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế, căn cứ vào quy định chi tiết hướng dẫn của Bộ Y tế, các bộ, cơ quan trung ương ban hành tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, trừ đơn vị quy định. UBND cấp tỉnh (sau khi xin ý kiến của các cơ quan liên quan theo Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Thành ủy) ban hành tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương, trừ đơn vị quy định.
Hội đồng quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (trong trường hợp đơn vị sự nghiệp không có Hội đồng quản lý) ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng tại đơn vị. Đối với các đơn vị không hoạt động trong lĩnh vực y tế nhưng có yêu cầu phải sử dụng xe ô tô cứu thương, thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô cứu thương được thực hiện theo quy định./.