Nghị định này quy định trình tự, thủ tục thanh lý và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý rừng trồng thuộc sở hữu toàn dân. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định cụ thể, việc thanh lý rừng trồng được thực hiện theo điều ước quốc tế đã ký kết.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến các hoạt động thanh lý rừng trồng theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này. Khuyến khích áp dụng các quy định về thanh lý rừng trồng tại Nghị định này đối với rừng trồng thuộc sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư theo khoản 2 Điều 7 Luật Lâm nghiệp.
Nguyên nhân thanh lý rừng trồng
Nghị định nêu rõ, do thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai, sự cố, thảm họa khác. Do dịch sâu, bệnh và sinh vật khác gây hại rừng.
Nguyên tắc thanh lý rừng trồng
Tuân thủ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; pháp luật về quản lý đầu tư công và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Thực hiện thanh lý rừng trồng bảo đảm kịp thời, tránh làm thất thoát, lãng phí kinh phí và tài sản.
Thực hiện thanh lý đối với diện tích rừng trồng bị thiệt hại và đảm bảo có đầy đủ hồ sơ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Phục hồi rừng sau thanh lý theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quy định thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Các trường hợp rừng trồng được thanh lý
Nghị định nêu rõ, rừng trồng được thanh lý trong các trường hợp sau: rừng trồng đang trong giai đoạn đầu tư bị thiệt hại do một trong các nguyên nhân quy định tại Điều 4 Nghị định này và không đáp ứng các chỉ tiêu nghiệm thu sau khi trồng rừng theo quy định của pháp luật về đầu tư công trình lâm sinh.
Rừng trồng sau giai đoạn đầu tư bị thiệt hại do một trong các nguyên nhân quy định tại Điều 4 Nghị định này và không đạt tiêu chuẩn quốc gia về rừng trồng. Chỉ khai thác tận dụng hoặc chặt bỏ đối với những cây không còn khả năng phục hồi; những cây còn khả năng phục hồi được thống kê, kiểm đếm và đề xuất giải pháp phục hồi tại Phương án thanh lý rừng trồng theo Mẫu số 04 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.
Hình thức thanh lý rừng trồng
Chặt bỏ, vệ sinh rừng đối với rừng trồng không có giá trị lâm sản.
Bán lâm sản khai thác tận dụng đối với rừng trồng có giá trị lâm sản.
Căn cứ vào từng loại rừng theo từng trường hợp quy định tại Điều 7 Nghị định này, cơ quan có thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng lựa chọn hình thức thanh lý rừng trồng phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương và thực hiện khai thác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Nghị định số 140/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2024./.