(CTTĐTBP) - Diễn ra trên phạm vi toàn quốc, Tuần lễ Thương mại điện tử (TMĐT) và Chương trình 60 giờ Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2023 là sự kiện thương mại điện tử quốc gia lớn nhất trong năm, với kỳ vọng phát huy vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, dịch vụ và người tiêu dùng trong cả nước thông qua TMĐT.
Chuỗi sự kiện này cũng đang tạo ra “sân chơi chung” lành mạnh cho cả người mua và người bán trên môi trường số, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển đột phá của lĩnh vực TMĐT cũng như kinh tế số tại Bình Phước.
Thương mại điện tử sôi động dịp cuối năm
Chuẩn bị cho Tuần lễ TMĐT và và sự kiện Online Friday 2023, Nhà sách Fahasa Bình Phước đã trưng bày rất nhiều mặt hàng, sản phẩm, đồ dùng học tập với mức giá ưu đãi lớn dành cho người tiêu dùng thông qua các hình thức bán hàng trực tiếp và qua các nền tảng thương mại điện tử. Chị Huỳnh Thị Thu Thủy, Cửa hàng trưởng Nhà sách Fahasa Bình Phước cho biết: Phía công ty cũng triển khai chương trình đặt sách online, giao sách tận nhà, khuyến khích mua hàng trên trang của công ty và thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán bằng ứng dụng ví điện tử, miễn phí giao hàng.
Để bắt kịp với nhu cầu của người tiêu dùng, các công ty bán lẻ, hệ thống siêu thị cũng chuyển mình mạnh mẽ khi đồng loạt triển khai hình thức dịch vụ đặt hàng qua app, Zalo, website với hàng ngàn nhu yếu phẩm thiết yếu, đồng thời liên tục cập nhật các chương trình khuyến mãi, giảm giá mỗi ngày. Thanh toán không dùng tiền mặt cũng được các ngân hàng triển khai rộng rãi, phổ biến đến tận các cơ sở, hộ kinh doanh bằng cách tạo mã QR để người tiêu dùng trải nghiệm thanh toán online, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, kích cầu hoạt động mua sắm số.
Chị Trương Thị Liên, phường An Lộc, thị xã Bình Long chia sẻ: “Chỉ cần một vài click chuột trên các trang bán hàng như: Shopee, Lazada, Sendo hoặc dùng app là có thể tìm kiếm được những món đồ yêu thích mà không cần tốn thời gian xếp hàng. Ngay cả tại cửa hàng tôi, khách cũng không cần đến tận nơi chọn sản phẩm mà thông qua hình ảnh, clip đăng tải, khách có thể chọn và chốt đơn, giao hàng tận nơi, rất tiện lợi”.
Trong phát triển TMĐT, Bình Phước có lợi thế 100% doanh nghiệp đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của tỉnh đã đưa lên sàn. Các nhóm sản phẩm đã được giới thiệu trên sàn là những nông sản, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Theo anh Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe, thị xã Phước Long, thông qua các sàn thương mại là cách tốt nhất để quảng bá sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn. Thông qua thông tin doanh nghiệp được niêm yết trên sàn sẽ tạo niềm tin để khách hàng tin tưởng lựa chọn.
Sự phát triển nhanh của công nghệ, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Lợi thế của TMĐT không bị giới hạn bởi không gian, địa lý. Trên mỗi sàn cũng có hàng ngàn mặt hàng đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng. Các gian hàng đều cung cấp cho người mua những thông tin hữu ích về sản phẩm như: hình ảnh, xuất xứ, thành phần, kích thước, tính năng…, đặc biệt là đánh giá của người mua, các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Sự tiện lợi này đã thu hút đông đảo người tiêu dùng tham gia mua sắm qua các hình thức trực tuyến.
Chị Thạch Thị Thanh Dung, phường Tân Thiện, thành phố Đồng Xoài chia sẻ: “Ưu điểm của các sàn TMĐT là giao hàng nhanh, được kiểm tra chất lượng, mẫu mã trước khi trả tiền và mua từ các đơn hàng chỉ vài ngàn đồng cũng được giao tận nơi. Các sàn TMĐT cũng có chính sách chăm sóc khách hàng rất tốt như miễn phí vận chuyển hoặc đổi trả…, đây là sự thuận tiện mà TMĐT mang tới cho người tiêu dùng”.
Với mục tiêu tiếp cận khoảng 1 tỷ lượt xem trên các nền tảng của chương trình, 3 triệu đơn hàng được chốt, 10 triệu người tiếp cận với chương trình, 500 nhãn hàng và 3.000 doanh nghiệp tham gia trong 60 giờ Online Friday 2023, tuần lễ TMĐT kỳ vọng sẽ là điểm sáng trong bức tranh chung thúc đẩy kinh tế số tại Bình Phước nói riêng và của cả nước.
Hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ người tiêu dùng
TMĐT, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới, do vậy cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử. Bên cạnh những lợi ích mà TMĐT mang đến cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử diễn ra ngày càng phức tạp khiến người tiêu dùng lo ngại. Vì vậy, không chỉ có hàng ngàn chương trình khuyến mãi, Tuần lễ TMĐT quốc gia còn chú trọng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho rằng: Ðể tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh, cục đã triển khai nhiều nhóm giải pháp tổng thể, xuyên suốt nhằm quản lý, giám sát hoạt động TMĐT. Trong đó tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh TMĐT; xúc tiến hợp tác quốc tế trong quản lý hoạt động TMĐT; xây dựng công cụ quản lý ứng dụng công nghệ số nhằm tăng cường hiệu lực quản lý; thanh tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh TMĐT. Đồng thời đẩy mạnh triển khai các dịch vụ hỗ trợ trong TMĐT như giảm chi phí logistics, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…
Theo báo cáo về lĩnh vực TMĐT vừa được Bộ Công Thương công bố, năm 2023, với 74% người dân sử dụng internet, Việt Nam có khoảng 59 - 62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm mỗi người ước đạt khoảng 300 - 320 USD. Con số này năm 2022 là 288 USD. Có thể thấy, suốt những năm qua, TMĐT Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16 - 30%, dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay.
Tuần lễ TMĐT quốc gia là chương trình mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm với mục tiêu kích cầu tiêu dùng trong nước bằng cách thu hút người dân tham gia các hoạt động trải nghiệm TMĐT và công nghệ số. Qua đó, thúc đẩy phát triển TMĐT ở các địa phương, đồng thời xây dựng mối liên kết chặt chẽ, bền vững giữa cộng đồng doanh nghiệp, từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến các đơn vị cung ứng dịch vụ hạ tầng cho TMĐT. Tuy nhiên, để thúc đẩy TMĐT phát triển theo hướng bền vững, việc đầu tư dài hạn về cơ sở hạ tầng, công nghệ, logistics, nhân lực… là vô cùng quan trọng. Đồng thời, cơ quan quản lý cần cập nhật, hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng yêu cầu phát triển, hạn chế những “lỗ hổng”, biến tướng trong TMĐT./.