(CTTĐTBP) - Phước Long cần quan tâm đánh giá thật kỹ thực trạng công tác của cán bộ quản lý và giáo viên trên địa bàn thị xã; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể trong giai đoạn 2022-2025. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để công tác đào tạo được thường xuyên, liên tục, đáp ứng yêu cầu thực tế địa phương. Bám sát thông báo, kế hoạch của các cơ sở đào tạo để có phương án cử cán bộ đi học đúng người, đúng đối tượng, chọn trường có chất lượng, giám sát chất lượng học của giáo viên.
Đó là đề nghị của Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Vũ Thanh Ngữ, trưởng đoàn giám sát của ban trong buổi làm việc sáng nay 24-3 tại UBND thị xã Phước Long, về việc thực hiện Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 8-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025.
Đoàn đã giám sát thực tế tại Trường mẫu giáo Sao Mai, phường Long Phước và Trường mẫu giáo Sơn Giang, phường Sơn Giang. Theo đó, các trường đều có 18/19 giáo viên mầm non đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên. 100% giáo viên, cán bộ quản lý được đào tạo chuẩn về trình độ, được bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy, giáo dục, quản lý, năng lực ngoại ngữ, công nghệ thông tin…
Đoàn giám sát đặc biệt quan tâm việc triển khai các văn bản pháp luật của cấp trên, việc sử dụng nguồn kinh phí dành cho công tác bồi dưỡng, đào tạo giáo viên… Ông Vũ Thanh Ngữ, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đánh giá cao tỷ lệ chuẩn nghề nghiệp của các trường, chuẩn trình độ của đội ngũ giáo viên. Đồng thời đề nghị các trường tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đội ngũ giáo viên thường xuyên trau dồi đạo đức nghề nghiệp, tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, đạt chuẩn nghề nghiệp từ khá trở lên.
Làm việc tại UBND thị xã Phước Long, đại diện Phòng GD&ĐT thị xã cho biết, trên địa bàn hiện có 2.504 học sinh đang theo học tại 8 trường mầm non, mẫu giáo công lập, 4 trường và 7 cơ sở mầm non tư thục. Thị xã có 320 giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý. Đến nay, số giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục mầm non có trình độ từ cao đẳng trở lên đạt trên 75%; 4,74% có trình độ từ nâng cao trở lên; 76,98% đạt chuẩn nghề nghiệp từ khá trở lên.
Khó khăn lớn nhất của ngành giáo dục thị xã Phước Long hiện nay là: đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo đủ theo quy định. Một số lớp bồi dưỡng, học viên phải tự túc kinh phí trong lúc đời sống, thu nhập của giáo viên còn khó khăn, nhất là với giáo viên các trường mầm non tư thục, giáo viên hợp đồng, đã ảnh hưởng tới việc tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn. Đặc biệt, do vừa thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, vừa tham gia bồi dưỡng nên hiệu quả không cao.
Thị xã Phước Long kiến nghị đoàn giám sát đề xuất ngành chức năng, chính quyền các cấp quan tâm bố trí đầy đủ biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm bảo theo quy định; đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý ngay tại địa phương, hoặc trực tuyến vào dịp cuối tuần, nghỉ hè… để tất cả cán bộ quản lý có thể tham gia trong lúc vẫn đảm bảo được công tác điều hành công việc tại đơn vị. Có chế độ hỗ trợ kinh phí khi tham gia các lớp bồi dưỡng để giảm bớt khó khăn cho giáo viên.
Ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trưởng đoàn giám sát Vũ Thanh Ngữ đề nghị, thời gian tới, theo thẩm quyền, Phước Long nghiên cứu giải pháp tham mưu ngành giáo dục đảm bảo chất lượng dạy và học khối mầm non, bố trí mỗi cơ sở 1 nhân viên y tế học đường. Sắp xếp, bố trí kinh phí hỗ trợ, giải quyết chế độ cho các đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng. Đoàn ghi nhận, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của địa phương để chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết./.