(CTTĐTBP) - Ngày 11/9, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường quản lý nhà nước đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo đó, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực thi hành pháp luật, hướng tới hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, khai thác sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền địa phương cấp huyện, xã và lực lượng chức năng của địa phương (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông) tăng cường công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ trên tuyến quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn tỉnh. Trong đó, chính quyền cấp cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT, Khu Quản lý đường bộ để phát hiện và xử phạt kịp thời theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ; xử lý nghiêm đối với các vi phạm đã được các cơ quan, đơn vị của ngành GTVT phát hiện, lập biên bản vi phạm.
Tăng cường tổ chức tuyên truyền đến người dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ đất dành cho đường bộ và phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ theo quy định. Chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý về đất đai, tài nguyên của địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng ngành GTVT trong quản lý đất đai nơi có tuyến quốc lộ, cao tốc đi qua, bảo đảm sự đồng bộ trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông với quản lý, sở hữu đất đai, cơ sở hạ tầng của địa phương.
Công tác đấu nối trên quốc lộ, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT rà soát lại các điểm đấu nối trên quốc lộ để ban hành quyết định phê duyệt điểm đấu nối (trước đây là quy hoạch điểm đấu nối) theo quy định tại Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT; trường hợp phát hiện điểm đấu nối chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định, chỉ đạo các lực lượng chức năng kiên quyết đóng ngay các điểm đấu nối để đảm bảo an toàn giao thông.
Công tác quản lý xe quá tải, tình trạng hoán cải, cơi nới thành, thùng xe đã được các địa phương chấn chỉnh và có chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xe quá tải tham gia giao thông trên một số tuyến đường bộ qua địa bàn địa phương. Để chấn chỉnh tình trạng trên, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, tuần tra kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo vệ công trình đường bộ, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Chỉ đạo chính quyền địa phương cấp huyện, xã và lực lượng chức năng của địa phương (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông) phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT, Khu Quản lý đường bộ, doanh nhiệp dự án BOT, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) xử lý nghiêm tình trạng người dân vi phạm hành lang an toàn lên bắt xe khách trên đường cao tốc; đồng thời rà soát, xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp vận tải tại địa phương vi phạm quy định về dừng, đỗ trên đường cao tốc.
Các Sở GTVT có trách nhiệm tham mưu UBND cấp tỉnh rà soát lại tổng thể điểm đấu nối, trường hợp cần thiết thực hiện điều chỉnh, bổ sung điểm đấu nối mới hoặc loại bỏ bớt điểm đấu nối có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, không còn phù hợp với thực tế hiện trường, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Tăng cường các giải pháp quản lý để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác bảo dưỡng thường xuyên; rà soát, phát hiện kịp thời các tồn tại, hạn chế để khắc phục ngay trong quá trình triển khai các dự án sửa chữa công trình đường bộ nhằm bảo đảm chất lượng công trình khi đưa vào khai thác. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, vật liệu tiên tiến để làm tăng hiệu quả, chất lượng bảo trì đường bộ trong điều kiện hiện nay tại Việt Nam./.